Thay đổi tư duy sản xuất cho người dân từ Dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi

Cập nhật 22/7/2022, 16:07:18

Như một luồng gió mới, các mô hình của dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi với sự hỗ trợ của Bộ Khoa học & Công nghệ được triển khai trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến nay đã và đang mang lại những kết quả tích cực, làm thay đổi tư duy sản xuất của người dân, hướng đến phát triển sản xuất bền vững.

Hộ ông Phạm Văn Liêm ở thôn Ninh Hòa, xã Ia Boòng là một trong 05 hộ được chọn triển khai xây dựng mô hình tái canh cà phê vối, áp dụng giống mới và hệ thống tưới tiết kiệm kết hợp bón phân qua nước của dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi trên địa bàn huyện Chư Prông. Triển khai mô hình với việc ứng dụng khoa học công nghệ trong trồng và chăm sóc cây cà phê theo kỹ thuật tiên tiến so với cách làm truyền thống trước đây, hiệu quả bước đầu mang lại khá khả quan khi cây cà phê sinh trưởng, phát triển tốt và dự đoán năng suất, sản lượng cũng sẽ đạt cao. Ông Liêm cho biết: “Tôi thấy dự án cà phê phát triển bền vững này thì rất ít thuốc; thuốc hóa học, thuốc BTVT là rất ít. Thứ hai nữa là mang lại hiệu quả rất cao. Tôi thấy bước đầu rất là rõ rệt với cà phê truyền thống.Cây cà phê ghép mà dự án cấp cho tôi đây,tôi làm như năm ngoái thu bói là đã được 10 cân rồi, năm nay đang dự tính là vào tầm 20 tới 25 cân/cây. Cà phê truyền thống thì chỉ được 15 cân, 10 cân thôi”.

Huyện Chư Prông đã thực hiện Dự án xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phát triển cà phê, hồ tiêu và bơ tại 06 xã: Ia Bang, Ia Kly, Ia Drang, Ia Phìn, Ia Boòng và Ia Pia từ năm 2019 đến năm 2022 với tổng kinh phí 08 tỷ đồng. Trong đó, vốn Trung ương 01 tỷ 950 triệu đồng; ngân sách huyện là 02 tỷ đồng và hơn 04 tỷ đồng từ các nguồn khác. Qua hơn 03 năm triển khai dự án, huyện Chư Prông đã xây dựng được 05 ha mô hình tái canh cà phê với tổng diện tích 05 ha; xây dựng mô hình sản xuất tiêu an toàn theo hướng VietGAP với diện tích 02 ha; xây dựng mô hình trồng xen các giống bơ mới trái vụ trong vườn cà phê với diện tích 15 ha và thực hiện cải tạo 05 ha vườn tạp. Đáng nói, với các hộ người đồng bào DTTS khi được chọn tham gia mô hình đã giúp họ thay đổi tư duy sản xuất một cách tích cực. Đồng thời với việc hỗ trợ kinh phí ban đầu để người dân xây dựng mô hình và thụ hưởng sản phẩm làm ra, điều này có ý nghĩa rất lớn đối với việc huy động nguồn vốn từ người dân, làm cơ sở vững chắc cho người dân mạnh dạn đầu tư vốn để phát triển sản xuất trong thời gian tiếp theo.

Anh Rơmah Hyoéch, Xã Ia Kly, huyện Chư Prông nói: “Mô hình đã hỗ trợ cho tôi về hệ thống ống nhỏ giọt tiết kiệm nước, giống cà phê và phân bón. Tôi thấy tiết kiệm được rất nhiều về công chăm sóc cũng như phân bón; vườn cà phê sinh trưởng, phát triển tốt từ khi áp dụng mô hình này”.

Ông Nguyễn Văn Luyến, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chư Prông cho biết: “Trong thời gian triển khai thì đặc biệt là giúp cho người dân được tập huấn về các quy trình trồng và chăm sóc cà phê, đặc biệt là người đồng bào DTTS. Theo quy định bà con khi tham gia các mô hình này thì phải đối ứng và đối ứng chủ yếu là công chăm sóc và đối ứng về phân bón, mà chủ yếu là phân do bà con tự sản xuất là phân chuồng. Thì hiện nay đa số ở 6 xã là hộ đồng bào trên dưới khoảng 50% tham gia dự án này”.

Thực tiễn cho thấy, Chương trình nông thôn miền núi rất có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của những vùng còn khó khăn, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Hiện nay, các hộ dân tham gia mô hình tại huyện Chư Prông cũng đã có đánh giá cụ thể về tính hiệu quả của mô hình chuyển giao và khẳng định trong thời gian tới sẽ tiếp tục duy trì, phát triển. Ngoài ra, UBND các xã có triển khai mô hình rất ủng hộ và sẽ tiếp tục khuyến khích các hộ dân trong khu vực có điều kiện phù hợp vận dụng, áp dụng các mô hình thành công của dự án vào sản xuất nhằm gia tăng hiệu quả kinh tế cho sản xuất, tăng thu nhập cho gia đình./.

Mỹ Tiến, R’Piên, CTV Rơ Lan Viện (Huyện Chư Prông)


Lượt xem: 11

Trả lời