Thảm họa da cam – nỗi đau xuyên thế kỷ

Cập nhật 10/8/2022, 10:08:48

Chiến tranh đã lùi xa nhưng di chứng do chất độc da cam/dioxin gây nên cho người dân Việt Nam vẫn chưa thể nguôi ngoai. Thảm họa da cam không những cướp đi tính mạng mà còn làm ảnh hưởng đến bao thế hệ về sau. Nhân dịp kỷ niệm 61 năm “Ngày thảm họa da cam ở Việt Nam” (10/8/1961 – 10/8/2022) chúng tôi đã có dịp ghi lại 1 số trong rất nhiều những câu chuyện thương tâm của những nạn nhân trong cuộc chiến tranh hóa học này trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Gần 1 năm trước, người con trai 32 tuổi của ông Nguyễn Ngọc Minh ở tổ dân phố 2, thị trấn Đak Đoa đã qua đời vì chất độc da cam. Còn gì xót xa hơn khi “Người đầu bạc” phải “tiễn kẻ đầu xanh”. Thế nhưng, khi nỗi đau chưa thể nguôi ngoai thì vợ chồng ông lại phải chuẩn bị sẵn tâm thế để tiễn biệt thêm người con 36 tuổi đang ngày đêm quằn quại vì chứng bại liệt và tâm thần. Gia đình ông có 7 người con, tất cả đều bị chịu ảnh hưởng của loại chất độc hủy diệt này. Người thì nằm im một chỗ, người thì thần kinh không ổn định. Chưa dừng lại ở đó, giờ đây, đến thế hệ thứ 3, một số cháu của ông cũng đang có dấu hiệu bị nhiễm dioxin. Phải chịu đựng quá nhiều nghiệt ngã, ở tuổi 82 một cựu chiến binh, một nạn nhân da cam như ông Minh đang gắng gượng từng ngày để cùng vợ chăm sóc những đứa con và đàn cháu thơ dại không lành lặn của mình.

Ông Nguyễn Ngọc Minh – Tổ dân phố 2, thị trấn Đak Đoa nói: “Cũng không có phương cách gì mà chạy chữa được. Được ngày nào hay ngày ấy thôi, không có anh nào làm gì được chứng chất độc màu da cam”.

Người lính bộ đội cụ Hồ Trần Đình Xuyên Sinh 1956 là người trực tiếp tham gia kháng chiến tại chiến trường miền Nam. Sau giải phóng, ông lập gia đình mà không hề biết rằng bản thân đã nhiễm chất độc da cam. Loại chất độc này đã bám riết, làm ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe của ông suốt những năm tháng sau đó.

Ông Trần Đình Xuyên – Thôn 3, thị trấn Đak Đoa cho biết: “Đêm đau đầu lắm, nhiều bệnh lung tung cả lên, hiện tại 1 bên tay bị liệt. Hồi trước tôi bị liệt toàn người rồi hồi sức lắp đĩa đệm lại đứng lên được rồi. Khi về nhà lấy vợ thì sinh được 4 người còn, 2 đứa bị chết, 1 đứa bị khờ, 1 đứa bình thường. Trong cuộc sống đời thường mình cũng không mong muốn điều gì cả, cũng hên là còn sống là được rồi”.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Gia Lai có trên 13.000 nạn nhân chất độc da cam/ dioxin. Với sự quan tâm, chăm lo tận tình của Đảng, Nhà nước, nỗi đau này đang dần được xoa dịu. Tuy nhiên, vì hậu quả quá thảm khốc và kinh hoàng cho nên hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều câu chuyện thương tâm, gặp vô vàn khó khăn trong cuộc sống cần cộng đồng, xã hội chung tay sẻ chia.

Bà Trần Thị Nên – Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Đak Đoa cho biết: “Ở Huyện Đak Đoa có hơn 200 nạn nhân, hiện nay nạn nhân da cam còn nhiều khó khăn trong thời gian tới có những nạn nhân nằm tại chỗ, đòi hỏi điều trị rất nhiều tiền. Chúng tôi kinh phí hoạt động thì không có, khi chúng tôi cần việc gì hỗ trợ thì khảo sát những hộ khó khăn, bằng những tấm lòng hảo tâm thì hỗ trợ nạn nhân. Mong muốn cấp ủy đảng chính quyền quan tâm hơn đối với những nạn nhận nằm tại chỗ, đương nhiên họ có trợ cấp hàng tháng. Tạo điều kiện cho họ phấn khởi vươn lên trong cuộc sống”.

Chúng ta đang sống trong thời đại hòa bình, nhưng chiến tranh hóa học vẫn còn nguyên hình dáng. Rất nhiều người vẫn đang hàng ngày phải chống chọi và sống chung với hậu quả mà chất độc dioxin gây ra. Hy vọng rằng bên cạnh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thì từ tình yêu thương và những tấm lòng nhân ái trong cộng đồng, phần nào sẽ góp phần xoa dịu, chia sẻ với những mất mát đau thương này./ .

 Thanh Vui, Huy Toàn


Lượt xem: 5

Trả lời