Sôi nổi Liên hoan cồng chiêng, hát dân ca và diễn tấu nhạc cụ dân tộc thanh thiếu niên tỉnh Gia Lai lần thứ III, năm 2017

Cập nhật 21/11/2017, 09:11:28

Làm thế nào để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc – đó là vấn đề đặt ra hiện nay trước tác động của nhiều yếu tố khiến những nét văn hóa trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nguy cơ bị mai một theo thời gian.

Nhân lên tình yêu của thế hệ trẻ đối với văn hóa truyền thống – đó là mục tiêu đặt ra ở Liên hoan cồng chiêng, hát dân ca và diễn tấu nhạc cụ dân tộc  thanh thiếu niên tỉnh Gia Lai năm 2017 vừa được Tỉnh đoàn tổ chức. Chất lượng của liên hoan ngày càng được nâng cao, đặc biệt thu hút nhiều em nhỏ tham gia chính là tín hiệu đáng mừng cho sự kế thừa, tiếp nối, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong cộng đồng .

Những điệu múa, những bài hát của những chàng trai, cô gái Jrai, Bahnar được các đội thể hiện khá nhuần nhuyễn, độc đáo và đầy tính sáng tạo. Đặc biệt, trong màn trình diễn cồng chiêng đã tái hiện các lễ hội của đồng bào DTTS ở các địa phương như: Lễ bỏ mã, Lễ đâm trâu, Lễ mừng lúa mới,… Đó là sự kết tinh của lòng đam mê, tinh thần gắn bó với nghệ thuật truyền thống góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của thế hệ trẻ Tây Nguyên.

Em Pui Thum, làng Ngai Ngó, xã Ia Hrung, huyện Ia Grai chia sẻ:

“Hiện nay, nhiều bạn trẻ không quan tâm đến truyền thống của dân tộc nhưng bọn em vẫn cố gắng tập luyện để duy trì và phát huy truyền thống đó. Tham gia đánh cồng chiêng em thấy thoải mái và rất tự hào.”

Liên hoan cồng chiêng, hát dân ca và diễn tấu nhạc cụ dân tộc thanh thiếu niên được tổ chức 2 năm/lần. Năm nay, thu hút hơn hơn 500  diễn viên thanh thiếu niên đến từ 16 huyện, thị, thành trên địa bàn tỉnh. Nổi bật là sự tham gia của các mô hình, câu lạc bộ, đội, nhóm cồng chiêng nhí, trong đó có một số em nhỏ chỉ mới chỉ lên 4 lên 5. Với sự quan tâm, đầu tư của các cấp bộ đoàn trong công tác duy trì, tập luyện đã mang lại những kết quả khá cao trong Liên hoan năm nay. Cụ thể như đoàn thành phố Pleiku, huyện Đak Pơ, …

Anh Nguyễn Tấn Tám, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên TP. Pleiku, Gia Lai cho biết:  “Ở đơn vị thành phố Pleiku luôn cố gắng vận động các em tham gia tập luyện và duy trì các câu lạc bộ cồng chiêng, có tính kế thừa. Chính từ đó, các em càng yêu hơn nét văn hóa của dân tộc mình.”

Từ các tiết mục tham gia, Ban tổ chức đánh giá cao các đoàn  với sự đầu tư hoành tráng, dàn dựng công phu. Đồng thời, thực hiện đúng yêu cầu và ý tưởng là phản ánh đời sống sinh hoạt của dân tộc thiểu số Tây Nguyên.

Bà Hà Thị Giang Thảo, Phó Bí thư Đoàn thanh niên tỉnh, Trưởng ban Liên Hoan cồng chiêng đánh giá : “Qua 3 lần tổ chức, chất lượng các tác phẩm tham gia ngày càng được nâng lên. Các đội thể hiện giản dị mộc mạc, giản dị nhưng thể hiện được các nét riêng. Qua đó, duy trì và phát huy truyền thống dân tộc của dân tộc.”

                Liên hoan được tổ chức không chỉ là dịp để cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu nhi dân tộc thiểu số thể hiện năng khiếu, kỹ năng âm nhạc, tinh thần văn nghệ mà còn tạo điều kiện cho các đội có cơ hội giao lưu, học tập kinh nghiệm lẫn nhau trong công tác Đoàn, Hội. Từ đó, tiếp thêm động lực để các đoàn tiếp tục tập luyện và cố gắng hơn trong những lần Liên hoan tiếp theo.

Thúy Diện, Huy Toàn

 


Lượt xem: 159

Trả lời