Khu kinh tế cửa khẩu Lệ Thanh cần được tiếp tục đầu tư

Cập nhật 21/8/2014, 15:08:02

Trong những năm qua, sự phát triển của khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh đã tác động tới quá trình phát triển của địa phương, đồng thời còn hỗ trợ cho sự phát triển của các tỉnh Đông Bắc Campuchia. Tuy nhiên sau hơn 10 năm đi vào hoạt động vấn đề thu hút đầu tư vẫn còn hạn chế, chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế của một cửa khẩu có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, an ninh – quốc phòng như cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh. 

 

Cửa khẩu quốc tế lệ Thanh.

 

Đến nay khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh đã thu hút được 81 doanh nghiệp, trong đó 54 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Tính từ năm 2005 đến nay tổng doanh thu tại khu trung tâm kinh tế cửa khẩu Lệ Thanh đạt hơn 52 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 983 triệu đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho trên dưới 100 lao động. Với những điều kiện thuận lợi như vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, an ninh – quốc phòng thì kết quả đạt được hoàn toàn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh. Vừa qua, tại buổi làm việc với đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh về thực hiện chương trình khảo sát việc đầu tư xây dựng và tình hình hoạt động của khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, Ban quản lý khu kinh  tế tỉnh cho rằng một trong những nguyên nhân kết quả thu hút đạt thấp là do cơ sở hạ tầng mặc dù đã được đầu tư nhưng chưa tương xứng với qui mô của khu kinh tế cửa khẩu quốc tế, kinh phí đầu tư rất ít so với những khu kinh tế khác trên vùng Tây Nguyên. Hơn nữa, từ năm 2010 thực hiện Quyết định số 60 của Thủ tướng Chính phủ thì lại càng khó khăn hơn,  mức đầu tư của Trung ương vào các khu cửa khẩu quốc tế chiếm không quá 35%, trên cơ sở nguồn vốn đối ứng của ngân sách địa phương đảm bảo 65%.

 

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên Ông Nguyễn Ngọc Đính-Trưởng Ban quản lý khu kinh tế tỉnh cho biết: “Trước đây rất dễ, trên cơ sở kế hoạch đầu tư Trung ương hỗ trợ toàn bộ, còn bây giờ Chính phủ quy định tỉnh phải cân đối được nguồn vốn đối ứng là 65% sau đó trung ương mới cấp 35% còn lại. Với yêu cầu nguồn vốn đầu tư vào khu kinh tế cửa khẩu tương đối như vậy thì tỉnh cũng khó khăn…”.

 

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, dự kiến vốn đầu tư cho giai đoạn 2010-2020 khoảng 6.000 tỷ đồng, bình quân 600 tỷ đồng/năm. Thế nhưng, quá trình triển khai thực hiện việc đầu tư xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu còn chậm, nguồn vốn đầu tư chưa đảm bảo tiến độ theo quy hoạch đã được phê duyệt. Từ năm 2003 đến cuối năm 2013 tổng kinh phí đầu tư xây dựng tại khu kinh tế cửa khẩu chỉ hơn 152 tỷ đồng. Để đẩy mạnh thu hút đầu tư, Ban quản lý khu kinh tế tỉnh đã nêu một số ý kiến đề xuất như đưa một số dự án của khu kinh tế cửa khẩu vào danh mục vay vốn ODA, tăng mức hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng khu kinh tế đối với các tỉnh có điều kiện kinh tế khó khăn….Thông qua chương trình khảo sát, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã ghi nhận những đề xuất kiến nghị của các đơn vị, đồng thời lưu ý một số vấn đề mang tính chiến lược trong quá trình đầu tư phát triển khu kinh tế.

 

Ông Huỳnh Thành-Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho biết: “Về kiến nghị đưa một số dự án vào danh mục vay vốn ODA chúng tôi sẽ xem xét, tổng hợp để trình Chính phủ. Tuy nhiên trong công tác quy hoạch cũng cần phải lưu ý đến quy hoạch tổng thể đến chi tiết từ đó mới có kế hoạch cụ thể…”.

 

Để phát huy hiệu quả Khu kinh tế cửa khẩu ngang tầm, vấn đề quan trọng hàng đầu vẫn là ưu tiên nguồn vốn đầu tư để hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, làm nền tảng thu hút các nhà nhà đầu tư trong và ngoài nước nhằm khai thác có hiệu quả về tiềm năng và lợi thế.

Hồng Uyên-Duy Linh


Lượt xem: 98

Trả lời