Hỗ trợ các doanh nghiệp, chủ thể đánh giá, phân hạng lại sản phẩm OCOP

Cập nhật 23/3/2023, 17:03:34

Theo Thông báo số 16 ngày 17/3/2023 của UBND tỉnh, hiện Gia Lai có 27 sản phẩm trong tổng số 42 sản phẩm đã hết hạn sử dụng nhãn hiệu OCOP không tham gia đánh giá phân hạng lại. Đây là các sản phẩm được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP theo Quyết định số 852 ngày 31-12-2019 của UBND tỉnh đã hết hiệu lực kể từ ngày 1-1-2023. Trong đó có những sản phẩm nổi tiếng, đã trở thành thương hiệu quen thuộc đối với người tiêu dùng như: Tiêu sọ Hữu Cơ Lệ Chí; Mật ong hoa Cà phê của Phương Di; Bò khô Huy Vũ… Vậy đâu là nguyên nhân, các cơ quan hữu quan đã làm gì để hỗ trợ các doanh nghiệp, đánh giá, phân hạng lại sản phẩm OCOP, THGL sẽ phản ánh trong bài viết sau:

Theo Thông báo của UBND tỉnh Gia Lai thì trong số 27 sản phẩm hết hạn sử dụng nhãn hiệu OCOP không tham gia đánh giá lại, HTX Nông nghiệp & Dịch vụ Nam Yang, huyện Đak Đoa có 3 sản phẩm OCOP 4 sao là: Tiêu sọ Hữu Cơ Lệ Chí; Tiêu đỏ Hữu Cơ Lệ Chí; Tiêu đen Hữu Cơ Lệ Chí không tham gia đánh giá lại, phân hạng lại. Lý giải nguyên nhân các sản phẩm OCOP này chưa tham gia đánh giá, phân hạng lại đại diện HTX cho biết do đơn vị đang có định hướng sẽ nâng cấp hạng sao các sản phẩm này. Trong khi đó để nâng cấp sao cho sản phẩm thì cần chuẩn bị nhiều thủ tục, hồ sơ, chính vì đơn vị không kịp hoàn thiện hồ sơ để đánh giá, phân hạng lại sản phẩm vào đợt đánh giá cuối năm 2022. Do đó, cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đơn vị đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ để có thể đánh giá, nâng sao cho các sản phẩm trong thời gian sớm nhất.

Ông Nguyễn Tấn Công – Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp & Dịch vụ Nam Yang, huyện Đak Đoa nói: “Đối với việc tham gia sản phẩm OCOP của 3 năm về trước đã góp phần nâng giá trị sản phẩm của chúng tôi. Và những hệ thống phân phối trên cả nước khi nhận phân phối thì điều đầu tiên họ quan tâm đó là sản phẩm của mình đảm bảo những tiêu chí nào và đạt mấy sao. Đó là một trong những giấy thông hành để đưa sản phẩm ra thị trường. Còn việc trì trệ trong việc đăng ký lại là do chúng tôi muốn nâng cấp sản phẩm lên hạng sao cao hơn để mang lại giá trị tốt hơn cho người tiêu dùng cũng như giá trị thương hiệu của chúng tôi chứ không phải lý do gì hết.”

Tính đến nay, Gia Lai có 311 sản phẩm OCOP, trong đó có 49 sản phẩm 4 sao và 262 sản phẩm 3 sao. Hiện có 27 sản phẩm trong tổng số 42 sản phẩm đã hết hạn sử dụng nhãn hiệu OCOP không tham gia đánh giá phân hạng lại. Theo tìm hiểu, có nhiều nguyên nhân khiến các doanh nghiệp, chủ thể chưa tham gia đánh giá, phân hạng lại sản phẩm OCOP như: Một số sản phẩm được chủ thể chuẩn bị nâng hạng sao, đổi tên thương hiệu cần hoàn thiện hồ sơ, thủ tục; một số sản phẩm nguồn nguyên liệu không đảm bảo; chậm trong việc chuẩn bị hồ sơ, thủ tục…

Bà Trần Thị Hoàng Anh – Giám đốc HTX Mật ong Phương Di, huyện Ia Grai nói: “Năm 2019 tôi có thi đánh giá OCOP cho sản phẩm Mật ong hoa cà phê và may mắn là sản phẩm đã đạt chuẩn OCOP 4 sao. Trong 3 năm nay từ khi đạt 4 sao thì nhu cầu thị trường của sản phẩm rất nhiều. Về cái đánh giá lại thì đúng vào giai đoạn cuối năm tôi có dự định đánh giá một sản phẩm mới và sản phẩm cũ đã hết hạn. Tuy nhiên sau khi sau khi hoàn thiện hồ sơ mật ong bánh tổ thì cuối năm do quá nhiều việc, đơn hàng tấp nập cho nên tôi không kịp hoàn thiện hồ sơ đánh giá lại sản phẩm mật ong hoa cà phê 4 sao. Để tiếp tục theo đuổi sản phẩm OCOP và nâng tầm sản phẩm thì năm 2023 tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để cuối năm tôi sẽ đánh giá lại sản phẩm OCOP của Mật ong hoa cà phê.”

Ông Phạm Ngọc Huyền – Phó Chi Cụ trưởng Chi Cục PTNT, Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Gia Lai cho biết: “Thông báo số 16 của UBND tỉnh thì các sản phẩm OCOP đã đăng ký năm 2019 thì đến ngày 1/1/2023 đã hết hạn, đủ thời hạn 36 tháng. Và trong 42 sản phẩm năm 2019 thì có 27 sản phẩm không đánh giá lại vì lý do trong 27 sản phẩm này của một số HTX, cá thể, doanh nghiệp đang trong thời kỳ thu hoạch tiêu, thu hoạch cà phê, do đó thời gian chuẩn bị hồ sơ không có thời gian. Thứ 2 nữa là do hồ sơ đánh giá lại thì phải chuẩn bị như đánh giá mới thì nhiều chủ thể để năm 2023 đánh giá lại luôn. Và khi đánh giá lại trong năm 2023 theo Quyết định 148 thay thế Quyết định 1048 thì lại được hỗ trợ kinh phí 100%, trong khi đánh giá lại hoặc nâng cấp sản phẩm chỉ được hỗ trợ từ 50-70%. Vì vậy sau khi nghiên cứu, nhiều chủ thể đã để đến năm 2023 đánh giá lại thành sản phẩm mới. Một số sản phẩm do xúc tiến thương mại cũng như vùng nguyên liệu không đảm bảo nên không đánh giá lại. Bên cạnh đó, một số chủ thể muốn đổi tên sản phẩm, thương hiệu…”

Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, chủ thể thuận lợi trong việc đánh giá, phân hạng lại sản phẩm, bên cạnh sự hỗ trợ kịp thời về chính sách, thủ tục hồ sơ, xúc tiến thương mại mở rộng thị trường, các ngành chức năng đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cũng như tăng đợt đánh giá phân hạng lại sản phẩm từ mỗi năm một đợt lên mỗi năm 2 đợt.

Ông Phạm Ngọc Huyền – Phó Chi Cụ trưởng Chi Cục PTNT, Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Gia Lai trao đổi: “Trong giai đoạn 2018-2022, giai đoạn đầu 2018-2019 thì đánh giá một năm 1 lần, nhưng giai đoạn năm 2021, 2022 thì đánh giá một năm 2 lần đó là đợt 6 tháng đầu và 6 tháng cuối năm. Và trong năm 2023 này thì khuyến khích các chủ thể nên đánh giá thường niên, không để tập trung vào cuối năm. Thứ 2 là cấp tỉnh cũng đánh giá vào 2 đợt 6 tháng đầu năm và 6 tháng cuối năm để tạo thuận lợi cho các chủ thể, doanh nghiệp là hồ sơ đánh giá chứ không để tập trung 1 đợt gây khó khăn cho chủ thể. Còn về kinh phí hỗ trợ thì năm 2022 Văn phòng điều phối Nông thôn mới cũng đã tham mưu với cơ quan chủ trì là Sở NN và PTNT phối hợp với Sở Tài chính trình UBND tỉnh thông qua Hội đồng hỗ trợ cho các chủ thể năm 2021 và năm 2022 mỗi chủ thể làm mới thì bình quân khoảng 30 triệu/ sản phẩm và thủ tục thanh toán thì giao cho cấp huyện quản lý và thanh toán kinh phí.”

Để đưa ra một sản phẩm đạt tiêu chí và trở thành sản phẩm OCOP đã là cả một quá trình nỗ lực của các doanh nghiệp, chủ thể. Tuy nhiên để giữ được chứng nhận, thậm chí nâng hạng sao cho các sản phẩm OCOP thì bên cạnh sự nỗ lực của bản thân các chủ thể thì rất cần sự đồng hành của các ngành chức năng cũng như chính quyền địa phương.

Lê Thư – Minh Vũ

 


Lượt xem: 15

Trả lời