Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị Chuyên đề về bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Cập nhật 25/3/2019, 13:03:41

Sáng nay (25/3), Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị Chuyên đề về bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Hội nghị dưới sự chủ trì của các đồng chí: Dương Văn Trang – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hồ Văn Niên – Ủy viên Dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Võ Ngọc Thành – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Châu Ngọc Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang nêu rõ: Gia Lai có diện tích tự nhiên lớn, hơn 1,5 triệu ha; trong đó, đất lâm nghiệp là trên 740.000 ha với 80% là diện tích đất có rừng, phân bố đều ở 17 huyện, thị xã, thành phố. Theo kết quả Đề tài “Đánh giá tài nguyên, đặc điểm phân bố, đề xuất giải pháp bảo tồn phát triển bền vững cây dược liệu bản địa ở tỉnh Gia Lai” đã điều tra và thống kê được, tỉnh Gia Lai có 573 loài cây dược liệu; trong đó có 21 loài là thực vật quý hiếm được ghi vào Sách Đỏ Việt Nam và 30 loài cây dược liệu chính được sử dụng rộng rãi, có giá trị  kinh tế cao. Song việc bảo tồn, phát triển những loài dược liệu quý hiếm chưa được quan tâm đúng mức; do đó, để bảo tồn,  phát triển bền vững nguồn tài nguyên tài nguyên dược liệu của tỉnh; góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập cho người dân, đồng chí Dương Văn Trang yêu cầu các đại biểu tham dự Hội nghị tập trung nghiên cứu, thảo luận và đưa ra các giải pháp phù hợp để triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương của tỉnh về bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Theo dự thảo Nghị quyết, mục tiêu cụ thể đến năm 2025 hoàn thành công tác điều tra, thống kê, tổ chức bảo tồn và khai thác bền vững dược liệu trong tự nhiên; phát triển khoảng 2.500 ha vùng nuôi trồng dược liệu tập trung đối với một số loài dược liệu có giá trị kinh tế, có thị trường tiêu thụ; hình thành ít nhất 1 cơ sở sản xuất giống dược liệu. Đến năm 2030, nâng tổng diện tích vùng nuôi trồng dược liệu lên khoảng 4.200 đến 4.500 ha; hình thành ít nhất 2 cơ sở sản xuất giống trên địa bàn.

Đức Hải, Thanh Sáng


Lượt xem: 26

Trả lời