Tìm giải pháp phát triển kinh tế – xã hội bền vững đối với đồng bào dân tộc thiểu số

Cập nhật 12/5/2023, 07:05:06

Tại Hội thảo, các đại biểu đã đưa ra nhiều nguyên nhân khiến vùng dân tộc thiểu số vẫn chưa thể thoát nghèo bền vững, trong đó nhấn mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn chưa phát triển.

Ngày 11/5, tại Cần Thơ, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TP. Cần Thơ phối hợp cùng Ban Công tác phía Nam Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trường Đại học Cần Thơ, Viện FNF tại Việt Nam và Ủy ban Công tác Dân tộc (UBDT) tổ chức Hội thảo cấp vùng “Giải pháp phát triển kinh tế – xã hội bền vững đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng ĐBSCL”.

ĐBSCL là 01 trong những vùng kinh tế – xã hội trọng điểm của cả nước, với dân số hơn 17 triệu người, trong đó có hơn 1,3 triệu đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm gần 8% dân số của vùng và chiếm hơn 9% DTTS cả nước.

Việc Thủ tướng chính phủ ký ban hành Quyết định số 1719 ngày 14/10/2021 Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 là một chủ trương quan trọng, thực hiện quan điểm và chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta.

Việc triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả những đề án, chính sách vùng đồng bào DTTS, cùng với kết quả xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi diện mạo, khởi sắc nhiều vùng nông thôn, vùng có đông đồng bào DTTS ở ĐBSCL.

Tuy nhiên, theo Vụ công tác dân tộc địa phương, tỷ lệ hộ nghèo của DTTS vùng ĐBSCL so với các vùng trong cả nước vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, thoát nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo tăng; đời sống của một bộ phận đồng bào còn nhiều khó khăn, nhất là hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, nơi có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã đưa ra nhiều nguyên nhân vùng DTTS vẫn chưa thể thoát nghèo bền vững, trong đó nhấn mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn chưa phát triển. Các đại biểu đã đề xuất cần nâng chất lượng công tác giáo dục nghề nghiệp; Tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các trung tâm dịch vụ việc làm, trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để hỗ trợ người lao động tìm được việc làm ngay khi học xong…

Theo bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cần thêm giải pháp nâng cao đời sống đồng bào qua hoạt động du lịch, nông nghiệp phù hợp thổ nhưỡng; giải pháp phát huy tối đa truyền thống văn hóa đặc thù của mỗi dân tộc; đồng thời Ủy ban MTTQ các tỉnh/thành cần làm tốt vai trò nhiệm vụ của mình để người dân được thụ hưởng chính sách.

Bà Trương Thị Ngọc Ánh nói: “Hiện nay mức sống, đời sống của bà con vùng đồng bào DTTS so với các vùng thuận lợi còn khoảng cách chênh lệch rất lớn. Chính vì vậy, trách nhiệm của MTTQ phải làm sao để có được những hoạt động hỗ trợ cho người nghèo, hỗ trợ hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn để vươn lên trong cuộc sống; thu hẹp, rút ngắn khoảng cách mức sống của người dân trong khu vực. Đây là một giải pháp tôi cho rằng nó tạo động lực thúc đẩy các hộ gia đình, trong đó có hộ gia đình đồng bào DTTS vươn lên trong cuộc sống để phát triển kinh tế”./.


Lượt xem: 1

Trả lời