Cần kiểm soát giá cả để việc tăng lương thực sự có ý nghĩa

Cập nhật 02/5/2024, 08:05:44

Từ ngày 1/7 tới, lương tối thiểu vùng sẽ tăng thêm 6%, điều này góp phần cải thiện phần nào cuộc sống của người lao động. Bởi ngoài việc được tăng lương hàng tháng thì người lao động còn được tăng một số quyền lợi khác. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng lương chỉ thực sự ý nghĩa khi không để giá cả “leo thang” hoặc “té nước theo mưa”.

Theo dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng, với mức tăng thêm 6% từ ngày 1/7 tới, mức điều chỉnh tăng vùng I sẽ là 4.960.000 đồng/tháng, vùng II là 4.410.000 đồng/tháng, vùng III là 3.860.000 đồng/tháng, vùng IV là 3.450.000 đồng/tháng.

Cùng với lương tối thiểu tháng, mức lương tối thiểu theo giờ cũng tăng tương ứng 6% từ giữa năm 2024. Cụ thể, vùng I lên 23.800 đồng/giờ; vùng II lên 21.200 đồng/giờ; vùng III là 18.600 đồng/giờ; vùng IV là 16.600 đồng/giờ.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho hay, mức điều chỉnh này cao hơn khoảng 2% so với mức sống tối thiểu đến hết năm 2024, để cải thiện phần nào cuộc sống cho người lao động. Mức lương tối thiểu vùng này cũng được cho là cơ bản bảo đảm mức sống tối thiểu năm 2025.

Mục đích của việc tăng lương nhằm bù trượt giá, bảo đảm mức sống cho người lao động. Đây sẽ là niềm vui lớn của hàng triệu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Khảo sát của Viện Công nhân công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) hồi tháng 4/2023 đối với gần 3.000 người lao động thuộc các ngành và loại hình doanh nghiệp khác nhau cho thấy, thu nhập trung bình của người lao động bao gồm cả tiền làm thêm giờ và các khoản phụ cấp là hơn 7,8 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập này, hơn 75% người lao động cho biết, tiền lương và thu nhập không đáp ứng nhu cầu chi phí sinh hoạt cơ bản hàng tháng, nhiều người phải vay mượn để trang trải nhu cầu cuộc sống.

Do vậy, việc điều chỉnh lương tối thiểu lần này được kỳ vọng có tác động tích cực tới người lao động được trả lương theo số giờ làm việc theo quy định, không bị phụ thuộc vào hiệu suất công việc hoặc sản lượng của công nhân.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng lương chỉ thực sự ý nghĩa khi lạm phát được kiểm soát và Nhà nước luôn sẵn sàng các phương án can thiệp, biện pháp bình ổn thị trường phù hợp, kịp thời khi có biến động về giá. Bởi nhiều năm nay có tình trạng, lương chưa tăng nhưng giá các mặt hàng thiết yếu đã tăng. Khi lương được điều chỉnh tăng, thì giá cả các mặt hàng thiết yếu cũng mượn cớ “té nước theo mưa”. Lần tăng lương này cũng không ngoại lệ. Khi lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng, nếu không kìm hãm được việc tăng giá thì người lao động có thu nhập thấp sẽ vô cùng vất vả.

Chị Nguyễn Hiền Thanh, giáo viên mầm non ở Ba Đình (Hà Nội) chia sẻ, hiện tại, mức lương hàng tháng của chị là hơn 5 triệu đồng, cộng với mức lương công nhân của chồng chị hơn 7 triệu đồng, tổng thu nhập của cả gia đình gần 13 triệu đồng/tháng. Mức lương eo hẹp này không đủ chi phí tiền nhà, điện nước, ăn uống và việc học hành của 2 con nhỏ trong 1 tháng. Để có thêm thu nhập, ngoài giờ làm, chồng chị phải tranh thủ chạy thêm Grab.

Qua tìm hiểu, chị Thanh được biết, mức lương tối thiểu vùng tới đây sẽ tăng thêm 6%, như vậy, mức lương giáo viên của chị cũng sẽ được điều chỉnh tăng thêm. Tuy nhiên, chị Thanh cũng lo lắng việc hàng hóa tăng giá theo lương như mọi khi, lương tăng được 1 đồng thì hàng hóa tăng 2 đồng, thậm chí tăng cao hơn. Nếu diễn biến giá chạy theo lương như vậy, thì những người có thu nhập thấp như vợ chồng chị sẽ thêm phần vất vả, thu không đủ chi.

“Lương tăng thêm được một chút nhưng hàng loạt mặt hàng thiết yếu từ quả trứng, bát phở đến mớ rau, cân thịt đều tăng giá theo thì đời sống của công nhân viên chức, người lao động chân tay chắc chắn không được cải thiện. Có thể cuộc sống sẽ vất vả hơn. Tôi mong muốn, nhà nước tăng lương tối thiểu vùng phải đi cùng với các biện pháp điều tiết, kiểm soát giá, không để giá các mặt hàng thiết yếu tăng cao thì việc tăng lương mới có ý nghĩa với người lao động”, chị Thanh nói.

Kiểm soát giá để niềm vui tăng lương được trọn vẹn

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, nguyên nhân khiến mỗi lần Nhà nước điều chỉnh lương thì giá cả lại tăng là do hiện tượng độc quyền trong mua bán vẫn xảy ra; hệ thống phân phối còn yếu và nhiều trung gian; quan hệ giữa người sản xuất và người bán lẻ chưa công bằng…

Mức lương tối thiểu vùng bản chất là bảo vệ người lao động yếu thế, đây là mức lương thấp nhất để chi trả cho người lao động trong điều kiện làm việc bình thường đảm bảo mức sống tối thiểu. Do vậy, nếu tăng lương không kiềm chế được lạm phát, để giá cả tăng cao thì việc tăng lương tối thiểu vùng không có ý nhiều nghĩa với người lao động yếu thế. Điều quan trọng nhất là phải kiểm soát được lạm phát, điều tiết thị trường, nhất là giá cả các mặt hàng thiết yếu.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, việc tăng lương tối thiểu thêm 6% là việc làm hết sức cần thiết vì mức tăng này vẫn chưa hoàn toàn loại trừ tác động của lạm phát trong thời gian vừa qua. Nếu cộng lại tất cả các yếu tố lạm phát trong thời gian qua thì lương tối thiểu cần phải tăng lên mức 7-8%. Thế nhưng trong bối cảnh ngân sách và các điều kiện còn khó khăn thì việc tăng lương tối thiểu lên 6% rất đáng hoan nghênh, còn hơn là không tăng. Qua đây, đời sống của người lao động sẽ được giảm bớt khó khăn ở mức độ nhất định.

Cũng theo TS. Lê Đăng Doanh, nỗi lo hàng hóa “té nước theo mưa” của người lao động là hoàn toàn có căn cứ. Tuy vậy, chỉ có thể động viên người lao động làm việc tốt hơn để có thể nâng cao năng suất và hiệu quả lao động lên. Trên cơ sở đó có thể hy vọng thu nhập của người lao động được cải thiện phần nào.

“Theo tôi, việc tăng giá không hoàn toàn nằm trong tay nhà nước vì chúng ta nhập khẩu rất nhiều sản phẩm hàng hóa trên thế giới, trong khi đó tình hình thế giới diễn biến phức tạp và giá đồng USD cũng tăng lên. Vì vậy việc hàng hóa tăng giá như thế nào, nhà nước đã có nỗ lực rất lớn để đảm bảo giá trị của đồng tiền cũng như giảm bớt tác động của việc giá cả tăng vọt. Việc tăng giá trên thị trường thế giới thì chúng ta không thể kiểm soát được vì phải nhập khẩu hàng hóa để sản xuất”, ông Lê Đăng Doanh nói.

Ông Doanh cũng cho rằng, tăng lương tối thiểu vùng, cải cách tiền lương là rất cần thiết, tuy nhiên, việc tăng lương chỉ thực sự có ý nghĩa khi lạm phát được kiểm soát và luôn sẵn sàng các phương án can thiệp, bình ổn thị trường phù hợp…

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, hiện nay đời sống của công nhân, viên chức vẫn còn khó khăn, sức mua rất yếu. Việc cải cách tiền lương của Quốc hội đặt ra là hết sức cần thiết nhằm bù đắp phần nào sự khó khăn trong cuộc sống của công chức, viên chức, công nhân lao động.

Tuy nhiên, việc tăng lương chỉ thật sự có ý nghĩa nếu giá cả được giữ ổn định ở mức tương đối. Những mặt hàng thiết yếu như điện, nước, xăng dầu, lương thực, thực phẩm thì phải kiểm soát được giá cả hoặc điều tiết hợp lý. Đây là vấn đề nhiều người tiêu dùng quan tâm. Nếu lương chưa tăng mà giá tăng sớm hơn, vượt qua ngưỡng 6% của lương thì việc tăng lương không có ý nghĩa nữa.

“Thực tế đi chợ, nhiều mặt hàng tăng giá ngấm ngầm. Ở Pháp mới đây có đạo luật là những mặt hàng nào mà rút trọng lượng nhưng giá không đổi, tức như tăng giá thì phải dán tem công bố cho nhân viên biết và cần làm nghiêm, rõ ràng, minh bạch. Ở Việt Nam, các dịch vụ ăn uống ngoài gia đình, cắt tóc, rửa xe, trông xe đạp, xe máy tăng giá vô tội vạ. Đối với người được hưởng lương nhà nước còn khó khăn như vậy, với người không được hưởng lương, làm ngoài nhà nước thì việc quan trọng nhất là phải đảm bảo cung cầu của các mặt hàng thiết yếu. Các mặt hàng như điện, nước, xăng dầu, lương thực thực phẩm phải kiểm soát bằng được, chống độc quyền, chống nâng giá không hợp lý”, ông Vũ Vinh Phú nói.

Cũng theo ông Phú, hiệu lực quản lý nhà nước về giá rất được quan tâm. Hiện nay việc quản lý giá mới chỉ “loanh quanh” ở một số mặt hàng như tàu hỏa, máy bay, học phí…, trong khi cuộc sống có tới hàng trăm mặt hàng thiết yếu khác. Điều này gây ra sự bất ổn trong việc kiểm soát giá cả.

“Để hài hòa lợi ích của người lao động thì phải gắn kết với sản xuất và phân phối thành một chuỗi cung ứng, giảm bớt trung gian, giảm bớt chi phí vận chuyển. Hiện nay, vấn nạn buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, kể cả bán trực tiếp hay online trên các nền tảng thương mại điện tử là rất phức tạp. Cho nên phải kiểm soát, gian lận thương mại, trốn thuế gây xáo trộn thị trường, quản lý an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa. Những vấn đề này phải điều chỉnh cho bằng được để đảm bảo ổn định đời sống nhân dân và khi cầm đồng lương, người lao động mới cảm thấy có ý nghĩa”, ông Vũ Vinh Phú cho hay.


Lượt xem: 3

Trả lời