Thầy giáo chia sẻ bí quyết chinh phục môn Toán của kỳ thi vào lớp 10

Cập nhật 06/6/2023, 08:06:52

Theo TS Đỗ Viết Tuân, sát ngày thi, thí sinh cần giảm bớt cường độ đi học thêm, dành thời gian để hệ thống các công thức Toán học cần nhớ như thể tích, diện tích các hình, hệ thức Vi-ét, nhẩm nghiệm, một số khái niệm khác như số không âm, số nguyên dương, số nguyên tố, hợp số, số chính phương….

Theo lịch của Sở GD-ĐT Hà Nội, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm 2023 sẽ chính thức diễn ra từ ngày 10/6-11/6. TS Đỗ Viết Tuân, giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm ôn thi môn Toán bậc THCS, THPT đã có trao đổi với VOV.VN chia sẻ bí quyết giúp thí sinh hoàn thành tốt bài thi Toán trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập sắp tới của Hà Nội.

PV: Thưa thầy, chỉ còn vài ngày nữa, hơn 100.000 học sinh lớp 9 tại Hà Nội sẽ bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập, trong giai đoạn cận kề kỳ thi, học sinh cần ôn tập môn Toán thế nào để đạt kết quả cao nhất?

TS Đỗ Viết Tuân: Một trong những việc đầu tiên thí sinh cần làm trong giai đoạn này là giảm bớt cường độ đi học thêm, dành thời gian để hệ thống các công thức Toán học cần nhớ như thể tích, diện tích các hình, hệ thức Vi-ét, nhẩm nghiệm, một số khái niệm khác như số không âm, số nguyên dương, số nguyên tố, hợp số, số chính phương….

Tiếp theo là sơ đồ hóa các dạng toán ở những câu có tính quyết định như ý 3 bài 1, ý 2b bài 3, ý 3.1 bài 4 hình. Việc này giúp các em ghi nhớ lại các dạng toán đã học.

Đặc biệt, các em cũng cần rèn luyện kỹ năng trình bày để tránh sai lầm trong tính toán và dẫn đến mất điểm đáng tiếc.

Việc quan trọng cuối cùng là hãy đảm bảo ngủ nghỉ hợp lý, không thức khuya, thay vào đó có thể dậy sớm hơn để xem lại các dạng bài toán đã học, giúp ghi nhớ tốt hơn. Chế độ ăn uống hợp lý để đảm bảo sức khỏe cũng cần đặc biệt lưu tâm. Tinh thần tốt sẽ giúp các em tự tin hơn khi làm bài thi.

PV: Từ quá trình dạy và chấm thi, theo thầy đâu là những lỗi sai thí sinh thường gặp khi làm bài thi môn Toán vào lớp 10, thưa thầy?

TS Đỗ Viết Tuân: Qua quá trình ôn thi cũng như chấm và chữa các bài thi thử cho học sinh, tôi nhận thấy một số lỗi thường gặp trong các bài thi Toán vào lớp 10 như quên đối chiếu điều kiện khi tìm các giá trị của x trong ý thứ  3 bài 1, hoặc ý 2b bài 3.

Nhiều thí sinh quên đặt điều kiện khi giải các bài toán liên quan đến căn bậc hai, hệ thức Vi-ét. Ví dụ khi bài toán yêu cầu các nghiệm là độ dài các cạnh của một hình, nhiều thí sinh bỏ qua bước điều kiện các nghiệm phải dương…

Thứ 3 là lỗi không đọc kỹ đề bài ở các bài toán về giải toán bằng cách lập hệ phương trình hoặc phương trình, bài hình không gian, bài hình phẳng…Việc không đọc kỹ đề bài dẫn đến thiết lập phương trình sai, hoặc tính toán không đúng yêu cầu bài toán và cả việc vẽ hình sai do không đọc kỹ đề bài. Những việc này đều dẫn đến mất điểm đáng tiếc.

PV: Vậy khi làm bài thi môn Toán trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10, thí sinh cần lưu ý những điểm gì để đạt kết quả cao nhất, thưa thầy?

TS Đỗ Viết Tuân: Đối với bài thi tự luận môn Toán vào lớp 10, các em cần đọc kỹ đề bài khi bắt đầu làm bài thi, phân loại các câu theo mức độ để làm bài tốt nhất, câu dễ làm trước, câu khó hơn có thể làm sau. Đảm bảo phải hoàn thành tốt nhất những câu làm được một cách chính xác.

Bài giải toán bằng cách lập hệ phương trình, hoặc phương trình thì cần đặc biệt đọc kỹ đề bài, điều kiện ẩn để giải chính xác. Một số dạng Toán lâu chưa thi như các bài toán có yếu tố hình học, năng suất, bài toán liên quan đến phần trăm…

Bài hình học không gian thí sinh cần đặc biệt ghi nhớ công thức chính xác, lưu ý đơn vị và đọc rõ yêu cầu bài toán để chánh làm sai yêu cầu.

Tiếp theo với các câu phân loại mức độ khá như ý 3 bài 1 câu hỏi phụ rút gọn, ý 2b bài 3 câu sử dụng hệ thức Vi-ét, các em cần lưu ý đặt điều kiện, đối chiếu điều kiện. Thí sinh lưu ý các dạng toán biểu thức nguyên, biểu thức chứa căn, biểu thức chứa dấu giá trị tuyệt đối,..cách xét dấu nghiệm hay nhẩm nghiệm của phương trình bậc 2…ví dụ a + b + c = 0 thì nghiệm x = 1 và x = c/a, hay nếu a – b + c = 0 thì nghiệm x = -1 và x = -c/a.

Với câu phân loại ở mức độ khó như câu 3 bài 4 hình thí sinh lưu ý liên hệ các kết quả từ ý trước của bài hình để sử dụng làm câu 3 bài 4. Thông thường ý 3.1 sẽ không quá khó nhờ sâu chuỗi lại phần giả thiết và kết quả chứng minh ở ý 2 là có thể giải quyết được.

Trong trường hợp làm ý 3.2 mà chưa có cách chứng minh cụ thể, các em cứ mạnh dạn viết ý tưởng chứng minh bài toán hình theo các bước để đến kết quả dù chi tiết được việc chứng minh.

Ở bài 5 thì thường sẽ có dạng toán giải phương trình vô tỷ, hoặc bài toán bất đẳng thức hay giá trị lớn nhất, giá trị nhỏ nhất.

Với các bài phương trình vô tỷ thường có một số kỹ thuật làm như đưa về dạng tổng các bình phương, hoặc phân tích nhân tử (Dựa vào hằng đẳng thức hoặc nhân liên hợp), hoặc sử dụng các bất đẳng thức cô si, bất đẳng thức chứa dấu giá trị tuyệt đối, bất đẳng thức chứa căn để đánh giá 2 vế.

Còn riêng với các câu bất đẳng thức hay giá trị lớn nhất, giá trị nhỏ nhất, các em cần nắm được các bất đẳng thức cơ bản và bất đẳng thức hệ quả suy ra từ các bất đẳng thức cô si, hằng đẳng thức để vận dụng.

VOV.


Lượt xem: 3

Trả lời