Nhiều doanh nghiệp siết chặt tuyển dụng, nâng cao yêu cầu với ứng viên

Cập nhật 14/2/2024, 08:02:35

Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, một số doanh nghiệp buộc phải cắt giảm bớt lao động, nhiều doanh nghiệp siết chặt khâu tuyển dụng, nâng cao yêu cầu với ứng viên.

Theo báo cáo vừa công bố mới đây của VietnamWorks về “Thực trạng Nhân sự ngành Sản Xuất 2023” trong nửa đầu 2023, nền kinh tế thế giới chứng kiến nhiều biến chuyển phức tạp, chính điều này đã ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của kinh tế nước ta nói chung và ngành sản xuất nói riêng.

Cụ thể, nhiều doanh nghiệp sản xuất đã phải cắt giảm hàng loạt nhân sự, thu hẹp quy mô hay tái cơ cấu nguồn lực để duy trì hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp đã phải chọn cách tạm dừng kinh doanh để chờ tín hiệu thị trường.

Báo cáo “Thực trạng Nhân sự ngành Sản xuất 2023”, VietnamWorks thống kê bằng phương pháp định lượng dựa trên kết quả phân tích khảo sát của hơn 1000 người lao động và 500 doanh nghiệp trong ngành.

Thông qua báo cáo, các doanh nghiệp thuộc 9 ngành trọng điểm lĩnh vực Sản xuất đều ghi nhận bị ảnh hưởng, thể hiện rõ qua việc doanh thu bị sụt giảm. Có ít nhất 50% doanh nghiệp đối mặt với sụt giảm doanh thu ở mỗi ngành, trong đó có ngành bị ảnh hưởng cao nhất lên đến 91% doanh nghiệp.

Báo cáo trên cũng cho thấy có hơn 50% doanh nghiệp mỗi ngành ghi nhận sụt giảm từ dưới 10% đến trên 40% tổng doanh thu trong bối cảnh suy thoái kinh tế. Bên cạnh đó, vẫn có ít nhất 9%, và nhiều nhất 50% doanh nghiệp các ngành ghi nhận doanh thu giữ nguyên, chưa bị ảnh hưởng hoặc vẫn đang tiếp tục tăng trưởng.

Khi được hỏi về yếu tố ảnh hưởng đến doanh thu, có ít nhất 33% các doanh nghiệp trong hầu hết các lĩnh vực tham gia khảo sát ghi nhận ảnh hưởng cùng lúc đến từ nguồn cầu trong nước và ngoài nước. Tuy nhiên, tùy thuộc vào từng ngành nghề khác nhau, mức độ ảnh hưởng của 2 yếu tố này cũng có sự khác biệt nhất định.

Đối mặt với khó khăn, duy trì hoặc thu hẹp quy mô là hai giải pháp ứng biến hàng đầu được các doanh nghiệp sản xuất lựa chọn. Trung bình 41% doanh nghiệp mỗi ngành cho biết ưu tiên sử dụng giải pháp duy trì quy mô hiện tại. Ngược lại, trung bình 30% doanh nghiệp khác lựa chọn thu hẹp quy mô.

Doanh nghiệp sản xuất bị ảnh hưởng có tác động trực tiếp đến người lao động. Qua đó, người lao động ngành sản xuất đối mặt với việc bị cắt giảm lương. Theo ghi nhận từ báo cáo, phần lớn người lao động trong ngành sản xuất đối mặt với việc cắt giảm 30 – 50% lương.

Theo thống kê, có 58% người lao động ngành sản xuất bị cắt giảm 30 – 50% tổng lương, 34% bị cắt giảm 10% tổng lương, 6% người lao động bị cắt giảm 10 – 30% tổng lương, chỉ có 2% bị cắt giảm nhiều hơn 50% tổng lương.

Bên cạnh đó, họ cũng bị cắt giảm giờ làm, giảm tiền tăng ca và không nhận được trợ cấp như thường lệ. Để kịp thời thích ứng với khó khăn, phần lớn người lao động lựa chọn cắt giảm chi phí sinh hoạt và nâng cao kỹ năng, tay nghề để ứng phó với khó khăn.

Có 60% người lao động chọn cắt giảm chi phí sinh hoạt để ứng phó khó khăn, 37% làm thêm bên ngoài và chỉ có 3% chọn cách tăng ca nhiều hơn để tăng thu nhập.

Chính trong giai đoạn này, người lao động cần sự hỗ trợ từ doanh nghiệp hơn bao giờ hết. Khi có 35% người lao động mong muốn không bị cắt giảm lương, 28% mong muốn được đảm bảo hợp đồng dài hạn, 28% mong muốn được duy trì trợ cấp/ phúc lợi và 9% mong muốn được đảm bảo đủ số giờ làm việc.

Ông Tạ Văn Dưỡng, Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội cho biết, 9 tháng qua, công đoàn Hà Nội thống kê khoảng 7.560 lao động bị chấm dứt hợp đồng, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Đáng chú ý là thị trường lao động có sự dịch chuyển rất nhanh. Đang có làn sóng dịch chuyển lao động từ khu vực chính thức sang phi chính thức rất lớn. Những công nhân đang làm việc trong nhà máy có xu hướng chuyển ra ngoài làm, thậm chí là dịch chuyển lao động trong các doanh nghiệp với nhau.

Dù vậy, theo Liên đoàn Lao động TP Hà Nội, nhìn chung quan hệ lao động trên địa bàn vẫn tương đối ổn định, từ đầu năm đến nay, thành phố chưa ghi nhận cuộc đình công nào, trong khi trước đó có những thời điểm một năm xảy ra 40 cuộc đình công…

Còn theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thời gian qua nhà nước đã có nhiều chính sách kịp thời hỗ trợ người lao động, song các chính sách cần hoàn thiện theo hướng hỗ trợ nhiều hơn nữa, chú trọng vào đào tạo, duy trì việc làm cho người lao động một cách bền vững, không chỉ tập trung hỗ trợ khi người lao động mất việc. Đơn cử như chính sách BHTN cũng nên hướng đến đảm bảo việc làm, nâng cao tay nghề cho người lao động hơn là hỗ trợ tiền khi mất việc làm. Ngoài ra cũng cần có chính sách hỗ trợ trực tiếp để người lao động bị mất việc làm có điều kiện đảm bảo cuộc sống, đặc biệt là chính sách về tiền lương, thu nhập, tránh tình trạng người lao động mất việc không đủ tiền duy trì cuộc sống, buộc phải rút BHXH một lần.

Để giải quyết vấn đề việc làm, ông Lê Đình Quảng cũng cho rằng, cần nhìn thẳng vào chất lượng nguồn lao động hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo vẫn đang là thách thức lớn. Theo ông Quảng, để gỡ nút thắt trong thị trường lao động hiện nay, bản thân người lao động cần nhận thức rõ về nguy cơ rủi ro mất việc làm, từ đó tự trau dồi, nâng cao năng lực thích ứng với thị trường lao động, chú trọng đến việc đào tạo, trang bị kỹ năng mới.

Bà Ngô Thị Ngọc Lan, Giám đốc khu vực miền Bắc Navigos Search cho biết, hiện hầu hết các doanh nghiệp đều siết chặt việc tuyển dụng và đưa ra những yêu cầu cao hơn. Nếu như trước đây một ứng viên được đánh giá ở mức từ 5-6 điểm đã có thể được tuyển dụng, thì hiện nay lại chỉ chấp nhận những ứng viên ở mức 8-9 điểm

Theo bà Lan, để duy trì lợi thế cạnh tranh, nhiều lao động lựa chọn xây dựng một kế hoạch nâng cao năng lực bản thân. Trong đó, 39% người lao động chọn nâng cao kỹ năng quản lý, 29% chọn nâng cao kỹ năng quản lý tài chính và 24% chọn nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ vào sản xuất.

Ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT cho rằng, trong bối cảnh robot đang dần thay thế con người, khiến nhiều công nhân thất nghiệp khi còn rất trẻ. Do đó, những người này cần được đào tạo lại, biết nghề nhiều hơn. Không chỉ các công nhân, mà ngay cả nhà báo hay lập trình viên cũng đang bị AI dần thay thế. Do đó việc nâng cao kiến thức, hoặc học thêm những kiến thức mới khi thị trường lao động yêu cầu là điều rất cần.


Lượt xem: 4

Trả lời