“Ngoại ngữ vẫn là “điểm đen” của giáo dục phổ thông”

Cập nhật 17/11/2023, 08:11:49

Bộ GD-ĐT đang đề nghị thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo phương án “2+2”, theo đó môn Ngoại ngữ sẽ không còn là môn bắt buộc. Tuy nhiên, theo chuyên gia, Ngoại ngữ vẫn là “điểm đen” trong giáo dục. Nếu không có động lực thì thế hệ trẻ Việt Nam sẽ lại tụt hậu 10-20 năm nữa.

Tại cuộc họp Hội đồng Quốc gia về giáo dục và phát triển nguồn nhân lực vừa diễn ra ngày 14/11, Bộ GD-ĐT đã đề xuất phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Theo đó, Bộ GD-ĐT đề xuất thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo Phương án 1. Cụ thể, mỗi thí sinh thi 4 môn (Lựa chọn 2+2), gồm thi bắt buộc môn Ngữ văn, Toán và được lựa chọn 2 môn học trong lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và phát luật, Tin học, Công nghệ).

Theo Bộ GD-ĐT, phương án này đảm bảo những yêu cầu là giảm áp lực thi cử cho học sinh và giảm chi phí cho gia đình học sinh và cả xã hội; số buổi thi giảm 1 buổi còn 3 buổi gọn nhẹ hơn, giảm áp lực và đỡ tốn kém cho xã hội. Tuy nhiên nếu chọn phương án này, Ngoại ngữ sẽ không còn là môn bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN đã có trao đổi với phóng viên VOV.VN về nội dung này.

PV: Thưa GS, Bộ GD-ĐT đang đề xuất phương án thi tốt nghiệp THPT 2+2, theo đó môn Ngoại ngữ sẽ thuộc nhóm các môn lựa chọn thay vì bắt buộc như trước đây, GS nghĩ sao về đề xuất này?

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức: Để đưa ra được phương án lựa chọn môn thi tốt nghiệp THPT có Ngoại ngữ hay không chúng ta cần đưa ra các tiêu chí cụ thể.

Tiêu chí để cải tiến kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chỉ đạo của Thủ tướng cần đáp ứng  mục tiêu giảm áp lực cho thí sinh, hội nhập quốc tế. Thứ 3, mặc dù Luật đã tách kỳ thi tốt nghiệp THPT ra khỏi việc xét tuyển đại học, nhưng trên thực tế, không phải tất cả các trường đều tổ chức kỳ thi riêng và nếu các trường tổ chức thi riêng, không phải mọi thí sinh đều có thể tham gia. Do vậy đến nay hầu hết các trường đại học vẫn sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển, trong đó có cả 2 ĐH Quốc gia.

Bởi vậy, việc lựa chọn các môn thi tốt nghiệp THPT cần đảm bảo cả 3 tiêu chí trên. Đối chiếu với các phương án thi mà Bộ đưa ra, phương án 4+2 (4 môn thi bắt buộc là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12) không đáp ứng được tiêu chí giảm áp lực, còn lại 2 phương án lựa chọn: 3 + 2 (môn thi bắt buộc là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12) hay 2+2 ( thí sinh thi bắt buộc môn Ngữ văn, Toán và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12). Hiện nay dư luận xã hội nhiều ý kiến cho rằng nên chọn phương án 2+2, tức môn Ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc

Cách đây hơn 10 năm, tôi có dự một cuộc họp với Thủ tướng, lúc đó Chính Phủ muốn Ngoại ngữ là môn thi bắt buộc, tuy nhiên thời điểm đó tôi đề xuất rằng không nên. Bởi ngay cả các hệ tài năng, cũng chỉ có khoảng 15-20% sinh viên đạt trình độ tiếng Anh A2. Nếu chúng ta đưa môn Ngoại ngữ là môn bắt buộc sẽ mất hết học sinh giỏi.

Nhưng hiện nay sau hơn 10 năm lại là một bức tranh hoàn toàn khác. Các công cụ học ngoại ngữ có ở khắp mọi nơi, việc tiếp cận internet ở vùng sâu vùng xa cũng không còn quá khó khăn, hơn nữa chuẩn đầu ra tiếng Anh ở bậc THPT là A2 tức mức rất đơn giản, không phải quá cao. Đặc biệt phương án thi tốt nghiệp THPT cần đáp ứng được yếu tố hội nhập quốc tế.

Nếu không thi Ngoại ngữ, học sinh sẽ không học. Tại các thành phố lớn, việc học Ngoại ngữ đã được quan tâm hơn, trình độ của học sinh ở những khu vực này được cải thiện. Tuy nhiên cần nhìn thấy rằng vẫn có gần nửa triệu (44%) bài thi tốt nghiệp THPT môn Ngoại ngữ có điểm dưới trung bình. Như vậy Ngoại ngữ vẫn là “điểm đen” trong giáo dục. Nếu không có động lực thì thế hệ trẻ Việt Nam sẽ lại tụt hậu 10-20 năm nữa.

PV: Thưa GS, nhiều ý kiến cho rằng hiện nay cơ hội học Ngoại ngữ tại các vùng miền là chưa đồng đều, do đó nếu bỏ môn thi này ra khỏi danh mục các môn bắt buộc sẽ giảm được áp lực cho thí sinh?

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức: Nhiều ý kiến cho rằng vùng sâu vùng xa cơ hội tiếp cận khó khăn hơn, do đó nên bỏ môn Ngoại ngữ khỏi nhóm bắt buộc, nhưng đó là câu chuyện của 10 năm trước. Còn trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, Ngoại ngữ đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nếu không thi, học sinh sẽ có tâm lý không học hoặc học không nghiêm túc.

Nhìn sang chính sách giáo dục của các nước láng giềng, đơn cử như tại Campuchia đưa ra 8 quyết sách về giáo dục, trong đó có “học thật, thi thật”. Ngành giáo dục đã thực hiện việc kiểm tra gay gắt, chấp nhận năm đầu sau khi cải cách tỷ lệ thi tốt nghiệp THPT chỉ đạt 27%, năm sau mới đạt hơn 40%. Nhưng cũng nhờ vậy mà giáo dục Campuchia được đánh giá là “lột xác” trong những năm gần đây. Hay tại Philippines, ngay cả những người giúp việc đi khắp thế giới họ đều nói tiếng Anh rất tốt.

Nhìn lại kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm qua, năm 2023, môn Toán vẫn có 21% học sinh dưới điểm trung bình, môn Vật lý là 15,7%. Như vậy các môn STEM và Ngoại ngữ của học sinh Việt Nam vẫn còn rất yếu, trong khi đây là những môn cần đẩy mạnh trong bối cảnh hiện nay. Như vậy, chính sách cần điều chỉnh phù hợp với thực tế, giảm áp lực nhưng phải có mục tiêu.

Ở Việt Nam, môn Ngoại ngữ là nỗi sợ của nhiều học sinh, đương nhiên nếu lấy ý kiến, nhiều người sẽ đồng tình với phương án bỏ môn học này. Nhưng hiện nay đất nước đang hội nhập, cuộc CMCN 4.0, Ngoại ngữ phải là hành trang cho thế hệ trẻ, nếu không có Ngoại ngữ, khi nào thế hệ trẻ Việt Nam mới có thể theo kịp thế giới?

Theo tôi, nên thi 3 môn bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 môn lựa chọn. Riêng với khu vực vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn sẽ có cách áp dụng phù hợp.

PV: Thưa GS, ông có đề xuất gì về việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT để phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay?

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức: Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã được thực hiện rất nghiêm túc, nếu như trước kia kỳ thi 3 chung, tỷ lệ điểm giỏi các môn Toán, Lý, Hóa chỉ đạt từ 2-3%. Thì từ khi Luật Giáo dục sửa đổi, về mặt hình tức, kỳ thi tốt nghiệp THPT không còn phục vụ việc xét tuyển đại học, tỷ lệ điểm giỏi ở các môn tăng vọt. Tỷ lệ này không phản ánh thực chất chất lượng học sinh phổ thông, đến khi các em vào đại học nhưng lại không theo nổi. Do đó cần đổi mới chất lượng bài thi tốt nghiệp THPT, nghiêm ngặt trong thi cử và đánh giá. Qua kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng có thể thấy các môn STEM và Ngoại ngữ vẫn còn rất kém, việc đổi mới cần theo hướng nâng cao chất lượng.

VOV.


Lượt xem: 2

Trả lời