Giải bài toán thoát nước mùa mưa lũ ở Cẩm Phả bằng cách nào?

Cập nhật 28/5/2016, 08:05:24

TP Cẩm Phả có địa hình giáp biển, thường xuyên xảy ra tình trạng ngập úng mỗi khi mưa lớn nên đòi hỏi tỉnh Quảng Ninh phải có giải pháp khắc phục.

Dự án nâng cấp quốc lộ 18 đoạn Hạ Long – Mông Dương được khởi công với kỳ vọng cùng với việc mở rộng và nâng cấp tuyến đường huyết mạch. Đây cũng là cơ hội để Cẩm Phả cải tạo và nâng cấp hệ thống thoát nước trên tuyến Quốc lộ. Trong khi mùa mưa lũ đang đến gần nhưng hạng mục thoát nước trên tuyến vẫn ngổn ngang, tiềm ẩn nguy cơ tái diễn tình trạng ngập úng cục bộ. Liệu năm 2016 này, Cẩm Phả có tiếp tục trở thành rốn lũ của tỉnh Quảng Ninh?

TP Cẩm Phả có địa hình giáp biển nhưng lại thường xuyên xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ mỗi khi mưa lớn, đặc biệt là trong trận mưa lũ lịch sử cuối tháng 7 đầu tháng 8/2015 gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Theo ông Phạm Ngọc Vinh, Phó Chủ tịch UBND TP Cẩm Phả, Cẩm Phả thường có mưa, bão lớn, thời gian từ tháng 6 đến tháng 10 hàng năm, trong khi đó, các dự án phát triển đô thị ở phía biển làm cho mặt bằng phía biển cao hơn khu dân cư. Khi có mưa nước sẽ chảy từ trên núi xuống khu dân cư qua tuyến Quốc lộ 18 và ra biển để tiêu thoát.

giai bai toan thoat nuoc mua mua lu o cam pha bang cach nao? hinh 0
Dự án nâng cấp Quốc lộ 18 vẫn ngổn ngang khi mùa mưa lũ đang về

 

Tuy nhiên, tuyến Quốc lộ 18 đoạn qua địa bàn Cẩm Phả thi công đã lâu, các cống thoát nước ngang, dọc thiết kế nhỏ lại bị cát, sỉ than vùi lấp nên khả năng thoát nước rất kém.

Ông Phạm Ngọc Vinh lý giải: “Chính vì địa hình phức tạp, mặt bằng ở giữa rất ít, cơ bản là đồi núi và khai trường khai thác rồi mới đến mặt nước. Do vậy, hệ thống thoát nước tuy có độ dốc cao nhưng do ảnh hưởng của khai thác than xây dựng kiến thiết đô thị cho nên nó đã ảnh hưởng tới việc thoát nước. Đặc biệt, những nơi có khai trường khai thác than gần với khu dân cư”.

Ngày 2/9/2015 tỉnh Quảng Ninh đã khởi công Dự án cải tạo nâng cấp QL18, đoạn Hạ Long – Mông Dương do công ty cổ phần BOT Biên Cương là chủ đầu tư, chiều dài tuyến đường hơn 30 km nằm trên địa bàn Hạ Long và Cẩm Phả. Bên cạnh mục tiêu nâng cấp tuyến giao thông huyết mạch thì đây cũng là cơ hội để TP Cẩm Phả nâng cấp, mở rộng hệ thống cống thoát nước chảy qua tuyến đường này. 

Dự án được chia thành 3 gói thầu. Trong đó gói thầu số 2 do Công ty cổ phần Đầu tư – Xây dựng và phát triển hạ tầng Nam Việt thực hiện dài gần 18 Km. Theo thiết kế, gói thầu này có 7 cống tròn đường kính 1,5 mét và 4 cống hộp kích thước 4×3,5 mét có nhiệm vụ thoát nước ngang qua mặt đường. 4 cống hộp kích thước lớn được nâng cấp lên từ mương thoát nước đã có sẵn, bên cạnh đó tuyến đường này có một hệ thống hào dọc được xây bằng bê tông với kích thước bằng cống hộp.

Thế nhưng, từ lâu trên tuyến thường xảy ra hiện tượng ngập úng cục bộ mỗi khi mưa lớn. Giải thích nguyên nhân, ông Nguyễn Tiến Hợp, Giám đốc điều hành gói thầu cho rằng, các cống gom trước đây thường bị tắc do rác thải sinh hoạt, cát, xỉ than tích tụ lâu ngày. Cửa thu của các cống hộp lại nhỏ nên nước mưa không thể chảy vào các cống hộp dọc, ngang để ra biển được. Hiện nhà thầu đã mở rộng cửa thu các cống hộp để giải quyết vấn đề trên.

 “Con đường cũ hiện tại đã triển khai 16 năm, hệ thống thoát nước ngang rất ít hiện giờ đã bị bồi lấp kín. Nhà thầu khi triển khai thi công đã gặp rất nhiều khó khăn trong công tác vệ sinh nạo vét. Chúng tôi cam kết muộn nhất là đến 11/6 tới là sẽ hoàn thành đấu nối 4 cống ngang, khi đó thì với cửa thu lớn mưa lũ không thể đọng được” – ông Nguyễn Tiến Hợp nói.

Từ khi khởi công dự án, thành phố Cẩm Phả và chủ đầu tư đã có nhiều nỗ lực phối hợp trong công tác giải phóng mặt bằng và đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ. Lãnh đạo thành phố Cẩm Phả thường xuyên đi kiểm tra đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công trước mùa mưa lũ.

Theo ông Trần Mạnh Thắng, trưởng phòng Quản lý thi công, Công ty cổ phần BOT Biên Cương – Chủ đầu tư dự án, để dự án về đích sớm cần phải có mặt bằng sạch, trong khi hiện vẫn còn nhiều vị trí trên tuyến chưa bàn giao được mặt bằng. Bên cạnh đó, trong quá trình thi công thực tế để đảm bảo thoát nước khi có mưa lớn, nhà thầu cũng phải nhiều lần đề nghị TP Cẩm Phả cho điều chỉnh thiết kế, tăng số lượng, kích thước cửa thu các đường thoát nước ngang đường.

Ông Thắng cho biết: “Hiện ở gói thầu số 1 còn vướng rất nhiều hệ thống cột điện và hệ thống cáp quang phải hạ ngầm, đặc biệt là hệ thống cột điện và các trạm biến áp nên chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thi công. Trên địa bàn vẫn còn khoảng 10 vị trí nằm trong các vị trí xung yếu cần giải phóng mặt bằng sớm. Hàng năm tất cả các vị trí cống thoát ngang đường thường xuyên bị bồi lắng. Công tác nạo vét phải tiến hành thường xuyên”.

Trong khi dự án còn đang ngổn ngang, hệ thống thoát nước chưa hoàn thiện, biện pháp giải quyết vấn đề ngập úng mùa mưa lũ, theo ông Phạm Ngọc Vinh, Phó Chủ tịch UBND TP Cẩm Phả, vẫn là cần đẩy nhanh tiến độ, công tác ứng trực khi có mưa lũ của các nhà thầu cần duy trì thường xuyên để giải quyết sự cố.

“BOT Biên Cương cần đẩy nhanh tiến độ thi công. Thi công cả ban ngày và có điều kiện thì ban đêm vắng sẽ đẩy nhanh được tiến độ. Chúng tôi cũng đã thỏa thuận với nhà thầu là khi mà có mưa lũ thì hệ thống máy xúc 2-3 chiếc phải trực trên toàn tuyến. Chỗ nào ngập là phải có phương án xúc, khơi thông ngay để đảm bảo an toàn giao thông đi lại ở trên tuyến thi công”- ông Ngọc Vinh nói.

Có thể thấy, với sự vào cuộc tích cực của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, TP Cẩm Phả, nhiều giải pháp đồng bộ và kịp thời để giảm thiểu nguy cơ cũng như hạn chế tối đa thiệt hại do mưa lũ gây ra. Tuy nhiên, với những khó khăn, bất cập đang diễn ra, nguy cơ ngập úng trên đia bàn Cẩm Phả trong mùa mưa lũ năm nay vẫn luôn hiện hữu./.

Theo VOV


Lượt xem: 56

Trả lời