Để y tế cơ sở phát huy hiệu quả vai trò chăm sóc sức khỏe ban đầu

Cập nhật 11/2/2024, 10:02:44

Hệ thống y tế cơ sở bao phủ rộng khắp các xã, phường đã và đang phát huy vai trò trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, nhất là trong phòng, chống dịch bệnh.

Hiệu quả chăm sóc sức khỏe ban đầu

Chăm sóc 2 con nhỏ “trứng gà trứng vịt” mới 2-3 tuổi, gia đình chị Thu Hường (Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) không ít lần nháo nhào vì các con cùng ốm, cùng quấy… Từ nhóm cư dân, chị Hường có được Fanpage của Trạm Y tế phường và số điện thoại hotline, nhờ đó đã nhiều lần nhận được tư vấn kịp thời khi con nhỏ ốm, sốt trong đêm.

Bên cạnh đó, Trạm Y tế phường cũng là kênh thông tin tuyên truyền để gia đình chị Hường nắm rõ được lịch tiêm vaccine, uống vitamin A hay nâng cao ý thức phòng dịch sốt xuất huyết, cúm…

“Qua Facebook hay nhóm cư dân, tôi thường xuyên nhận được thông báo lịch tiêm chủng hay những tuyên truyền phòng dịch bệnh theo mùa. Đưa con ra phường tiêm, tôi cũng quen được với các nhân viên y tế tại đây, nhiều người còn sẵn sàng cho tôi số điện thoại để hỗ trợ khi con ốm”, chị Hường chia sẻ.

Tại Hà Nội, sau khi mở rộng địa giới hành chính, hiện có gần 580 Trạm Y tế xã, phường, thị trấn. 100% Trạm Y tế có bác sĩ, trong đó có 86,3% Trạm có bác sĩ biên chế, các Trạm chưa có bác sĩ biên chế thì có bác sĩ tăng cường từ trung tâm y tế và bệnh viện huyện.

Bác sĩ Nguyễn Thị Vượng, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng cho biết, từ năm 2008, Trạm được đầu tư xây mới một dãy nhà làm việc 2 tầng kiên cố và được đầu tư sửa chữa cơ sở hạ tầng vào năm 2019. Ngoài ra, năm 2017, Trạm được đầu tư xây mới thêm một dãy nhà và gần đây nhất là bếp ăn. Tính đến nay, Trạm có 19 phòng chức năng phục vụ công tác khám, chữa bệnh.

Thời gian qua, Trạm đã triển khai hiệu quả công tác chuyển đổi số và khám, chữa bệnh từ xa, duy trì trao đổi với bệnh nhân qua mạng xã hội hay Zalo… Đặc biệt, lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh Trạm ngày càng tăng. Trạm đang lập hồ sơ bệnh án cho hơn 300 bệnh nhân và trung bình mỗi tháng, khám, điều trị cho khoảng hơn 200 bệnh nhân.

“Thời gian tới, tôi mong muốn Quốc hội sẽ có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi các bác sĩ đa khoa, chuyên khoa về công tác tại TYT xã để giúp TYT xã ngày càng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân”, bác sĩ Vượng chia sẻ.

Vẫn còn những khó khăn

Tại Kỳ thứ 5 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết giám sát chuyên đề Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, với 475 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 96,15%).

Trong Nghị quyết được Quốc hội thông qua có nội dung về thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, theo đó nêu rõ, trong giai đoạn 2018-2022, việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực. Y tế cơ sở, y tế dự phòng ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân và góp phần quan trọng vào thành công của công tác phòng, chống dịch, bệnh, nhất là dịch COVID-19.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến y tế cơ sở, y tế dự phòng đã từng bước được hoàn thiện, phù hợp hơn với thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ. Y tế cơ sở, y tế dự phòng được quan tâm đầu tư và phát huy hiệu quả.

Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng chưa đồng bộ, một số văn bản chậm được ban hành, sửa đổi; hệ thống tổ chức còn thiếu ổn định, nhiều bất cập, hoạt động chưa thực sự hiệu quả; mô hình quản lý trung tâm y tế cấp huyện chưa thống nhất, chưa phát huy tốt vai trò, lợi thế của y tế tư nhân và y dược cổ truyền… Nghị quyết nhấn mạnh: Hệ thống y tế dự phòng từng bước được củng cố, sắp xếp theo hướng tinh gọn. Đến năm 2022, 63/63 tỉnh, thành phố đã thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật trên cơ sở sáp nhập nhiều trung tâm thuộc lĩnh vực y tế dự phòng tuyến tỉnh. Nhân lực làm công tác y tế dự phòng cơ bản được quan tâm đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn. Công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm và bệnh không lây nhiễm đạt được nhiều thành tựu.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ; hoàn thiện và thực hiện tốt chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, bảo đảm ứng phó kịp thời, hiệu quả khi xảy ra dịch bệnh tương tự, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tăng cường khả năng cung ứng dịch vụ y tế cơ sở, y tế dự phòng theo hướng: Y tế cơ sở bảo đảm thực hiện đầy đủ chức năng chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh, phòng, chống dịch, bệnh và nâng cao sức khỏe nhằm bảo đảm mọi người dân được chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng.

Y tế dự phòng tiếp tục tập trung thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm, bệnh chưa xác định rõ nguyên nhân, kiểm soát các yếu tố nguy cơ, nâng cao sức khỏe, an toàn thực phẩm, dinh dưỡng cộng đồng, vệ sinh sức khỏe môi trường, y tế trường học, chăm sóc sức khỏe người lao động, người cao tuổi, bà mẹ và trẻ em, dân số, truyền thông giáo dục sức khỏe.

Quốc hội giao Chính phủ chậm nhất năm 2025 hoàn thành việc trình Quốc hội các dự án Luật có liên quan đến lĩnh vực y tế cơ sở, y tế dự phòng, tình trạng khẩn cấp. Đồng thời Chỉ đạo các Bộ, ngành ban hành văn bản hướng dẫn việc thanh toán, quyết toán các khoản huy động, thu, chi, đóng góp ngoài ngân sách nhà nước cho công tác phòng, chống dịch COVID-19. Chỉ đạo rà soát, hướng dẫn cơ chế quản lý, sử dụng nguồn kinh phí còn dư được các tổ chức, cá nhân hỗ trợ cho các cơ sở y tế trong phòng, chống dịch theo quy định của pháp luật…

“Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí với quy định cụ thể tỷ lệ dành 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng và đề nghị có hướng dẫn cụ thể hơn về việc chi cho y tế dự phòng để thực hiện thống nhất; có ý kiến đề nghị không quy định cụ thể tỷ lệ mà chỉ quy định đảm bảo ngân sách cho công tác này”, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ trong báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề về nội dung thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Theo thống kê, nhiều địa phương báo cáo có tình trạng thiếu nhân lực tại y tế cơ sở, trong đó có cả những thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM. Hầu hết các địa phương phản ánh tình trạng này chủ yếu xảy ra tại các Trạm Y tế xã, trong đó nhiều Trạm Y tế xã chưa có đủ số lượng nhân lực y tế theo các chức danh được quy định. Trong 4 năm từ 2018-2021, tổng số bác sĩ xã giảm 2.238 người, năm 2020 có số bác sĩ tuyến xã giảm nhiều nhất (giảm 1.114 người so với năm 2019). Tỷ lệ thôn bản có nhân viên y tế giảm từ 97,5% năm 2015 xuống 71% năm 2020, trong đó 28% chưa qua đào tạo.

Phân tích nguyên nhân của thực trạng này, các ĐBQH cho rằng, bên cạnh nguyên nhân thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị, tiền lương và chế độ phụ cấp còn thấp nên khó thu hút bác sĩ về làm việc. Chế độ tiền trực theo Quyết định 73/2011/QĐ-TTg Quy định chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong cơ sở y tế công lập, tiền trực tại Trạm Y tế xã quy định ca 24/24 giờ là 40.000 đồng, trong khi đó các Trạm Y tế xã hoạt động chủ yếu từ nguồn phân bổ ngân sách nhà nước. Mức thu nhập chưa hấp dẫn là một trong những nguyên nhân không thu hút được nhân lực, nhất là thời gian qua khi phải chịu rất nhiều áp lực trong phòng, chống dịch COVID-19 dẫn đến thực trạng số lượng cán bộ y tế xã chuyển công tác, chuyển vùng, xin nghỉ việc có xu hướng tăng.

Để góp phần khắc phục tình trạng nhân viên y tế xin nghỉ việc, chuyển việc, đại biểu Nguyễn Văn Huy (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) kiến nghị quan tâm chăm lo các giải pháp để tăng thu nhập, bảo đảm tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ thỏa đáng và phát triển bản thân đối với nhân viên y tế nói chung, nhân viên y tế cơ sở nói riêng, không chỉ về cơ chế, về kinh tế, mà quan trọng nhất là phải tạo được môi trường, điều kiện để cho các nhân viên y tế được phát triển bản thân, có như vậy mới tương xứng với đặc thù công việc và yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới.

Với tư cách là ĐBQH thành phố Hà Nội, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho rằng, hiện nay chế độ lương cho nhân viên y tế được áp dụng từ năm 2004 (đã gần 20 năm); chế độ phụ cấp được quy định tại các văn bản hơn 10 năm. Theo đại biểu, đây không phải là kết quả đạt được mà là hạn chế của công tác xây dựng chính sách đối với nhân viên y tế tại tuyến y tế cơ sở.

Theo đại biểu Trần Thị Nhị Hà, mấu chốt vấn đề để giải quyết triệt để bài toán của y tế cơ sở là cần một cơ chế tài chính theo hướng ngân sách nhà nước cấp đủ kinh phí, nhằm đảm bảo duy trì hoạt động thường xuyên cho các đơn vị y tế cơ sở. Chênh lệch giữa thu dịch vụ và chi phí trực tiếp từ thực hiện dịch vụ cho đơn vị được phép giữ lại theo quy định, nhằm nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh.

“Chính phủ đã ban hành Nghị định 05 áp dụng mức phụ cấp 100% đối với viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn tại tuyến y tế cơ sở nhưng thời gian cũng chỉ đến hết năm 2023. Do vậy, đề nghị đưa các nội dung ban hành quy định lương và phụ cấp này vào nội dung cần thực hiện ngay về chính sách đối với cán bộ y tế cơ sở”, bà Nhị Hà nói.


Lượt xem: 3

Trả lời