Chuyển 417 hồ sơ kiến nghị khởi tố trốn đóng bảo hiểm sang Cơ quan điều tra

Cập nhật 12/3/2024, 08:03:36

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, tính từ năm 2018 đến hết năm 2023, toàn ngành BHXH đã gửi 417 hồ sơ kiến nghị khởi tố sang Cơ quan điều tra, tuy nhiên, chỉ có 15 hồ sơ được khởi tố. Do đó, cần khẩn trương tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục khởi kiện liên quan đến BHXH. Đồng thời, xem xét thụ lý và đưa ra xét xử một số vụ trốn đóng BHXH theo quy định của pháp luật.

Trước tình trạng doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) diễn ra ngày càng phức tạp, nhằm tạo hành lang pháp lý mạnh mẽ để xử lý nghiêm khắc hơn đối với các hành vi vi phạm các chính sách BHXH, BHYT, BHTN đang gây bức xúc cho xã hội, Bộ luật Hình sự năm 2015 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018) đã bổ sung các điều luật quy định về các tội danh trong lĩnh vực BHXH, trong đó có tội “Gian lận BHXH, BHTN” (Điều 214), tội “Gian lận BHYT” (Điều 215) và tội “Trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN” (Điều 216).

Ngày 15/8/2019, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 05 hướng dẫn áp dụng Điều 214, Điều 215 và Điều 216 do đây là các tội danh mới, lần đầu tiên được quy định trong BLHS để thống nhất áp dụng trong thực tiễn.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 05, ngày 22/1/2020 BHXH Việt Nam đã ban hành Công văn hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố tiếp nhận, xử lý thông tin, lập, gửi hồ sơ kiến nghị khởi tố. Từ tháng 9/2019, BHXH các tỉnh, thành phố đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện, đặc biệt sau khi có hướng dẫn của BHXH Việt Nam về lập hồ sơ kiến nghị khởi tố.

Theo số liệu thống kê của BHXH Việt Nam, tính từ năm 2018 đến hết 31/12/2023, toàn ngành BHXH Việt Nam đã gửi 417 hồ sơ kiến nghị khởi tố sang Cơ quan điều tra. Tuy nhiên, tính đến nay, mới có 15 hồ sơ đã được khởi tố, trong đó có 8 bản án đã có hiệu lực pháp luật với số tiền cá nhân, tổ chức phải thi hành án cho cơ quan BHXH là hơn 2,69 tỷ đồng, số tiền cơ quan BHXH đã thu hồi được từ thi hành án đạt là hơn 2,381 tỷ đồng. 220 hồ sơ không khởi tố do được xác định là không có dấu hiệu tội phạm, không có hành vi vi phạm hoặc chuyển xử lý hành chính; 23 hồ sơ tạm đình chỉ giải quyết kiến nghị khởi tố; 2 hồ sơ bị tạm đình chỉ, đình chỉ; 103 hồ sơ vẫn đang trong quá trình xem xét, giải quyết.

“Nhiều doanh nghiệp, người sử dụng lao động chưa thực sự thực hiện nghiêm các quy định về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, đặc biệt là cũng còn nhiều doanh nghiệp có lý do khách quan là sản xuất kinh doanh gặp khó khăn nhưng cũng có tâm lý cố tình chây ỳ, trốn tránh trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế dẫn đến số tiền chậm đóng lớn và thời gian kéo dài. Công tác thanh tra chuyên ngành, thanh tra của cơ quan bảo hiểm xã hội cũng đã rất quyết liệt, tuy nhiên thì cũng chưa đạt hiệu quả và cũng chưa đáp ứng yêu cầu thực tế”, ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nêu thực tế tại địa phương.

Thực tiễn cho thấy, hầu hết các hành vi cơ quan BHXH xem xét, lập hồ sơ gửi kiến nghị khởi tố được xác định là hành vi chậm đóng. Theo đó, đơn vị sử dụng lao động đã kê khai đầy đủ số người tham gia BHXH, số tiền phải đóng, khấu trừ tiền lương của người lao động để đóng BHXH, BHTN, BHYT nhưng chưa đóng được cơ quan Công an xác định là không có thủ đoạn gian dối hoặc thủ đoạn khác nên không thỏa mãn dấu hiệu tội phạm quy định tại khoản 1 Điều 216.

Ngoài ra, việc khởi kiện của tổ chức công đoàn hiện đang gặp nhiều vướng mắc nên hầu như không thực hiện được trên thực tế do khó khăn trong việc thực hiện quy định về ủy quyền của người lo động và thực tế triển khai của tổ chức công đoàn.

Trước thực trạng này, BHXH Việt Nam cho rằng, cần nghiên cứu xây dựng cụ thể các quy định liên quan đến chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHTN, BHYT trong dự thảo Luật BHXH, Luật BHYT sửa đổi và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đảm bảo sự đồng bộ với các quy định pháp luật hành chính, hình sự và tình hình thực tiễn tổ chức, thực hiện. Đồng thời, cần có hướng dẫn cách thu thập hồ sơ tài liệu đảm bảo điều kiện cần và đủ trước khi gửi hồ sơ kiến nghị khởi tố đến Cơ quan điều tra, nhằm đáp ứng đầy đủ điều kiện chuyển hóa hồ sơ, tài liệu thành chứng cứ phục vụ công tác điều tra, khởi tố đối với tội danh trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động theo Điều 216 Bộ luật Hình sự.

“Do cơ chế chính sách chưa thống nhất, xử lý vi phạm hành chính có quy định nhưng chưa đủ mạnh, không có tổ chức cưỡng chế thi hành các kết luận thanh tra, kiểm tra nên thời gian qua thành phố đã thực hiện đầy đủ các biện pháp thu hồi tiền chậm đóng bảo hiểm nhưng các đơn vị vẫn không thực hiện. Trong năm 2023, TP.HCM, các cấp đã ban hành 239 quyết định xử phạt hành chính với tổng số tiền hơn 13 tỷ đồng nhưng chỉ có hơn 2,2 tỷ đồng đã được nộp. Việc này cũng rất mong có chế tài ,những yêu cầu phối hợp của các đơn vị liên quan để thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật”, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM kiến nghị.


Lượt xem: 4

Trả lời