Câu chuyện “trực chiến” chống Covid-19: Phía sau cánh cửa cách ly

Cập nhật 18/2/2020, 08:02:40

Phía sau cánh cửa khu vực cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương là những câu chuyện chưa kể tại tâm dịch Covid-19 (nCoV), nơi đã điều trị khỏi cho ba người bệnh từ Vũ Hán (Trung Quốc) trở về.

Ở tuyến đầu ứng phó dịch Covid-19, các y bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương chuẩn bị sẵn tinh thần từ trước Tết, khi bắt đầu có thông tin manh nha về dịch viêm phổi lạ ở Trung Quốc.

Tất cả mọi khâu đều được tăng cường. Đến khi bước vào tâm dịch Covid-19, tất cả đều phải căng mình ứng phó. Mệt mỏi, áp lực, phải hy sinh thời gian cho bản thân, cho gia đình… song không ai nản lòng cả. Càng vậy họ càng hiểu rõ trách nhiệm của mình.

Là người trực tiếp đối mặt với virus nCoV, Ths.BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương không giấu nổi nét căng thẳng trên gương mặt trong suốt những ngày chiến đấu với dịch bệnh này.

“Ngay từ trước Tết, trước khi dịch vào, Bệnh viện đã phải “sẵn sàng trực chiến”, đảm bảo khi cần huy động sẽ có mặt đầy đủ. Nhiều người đã lên kế hoạch du lịch hay về quê đều phải hủy bỏ”, BS Cấp nói.

Khi có dịch và xuất hiện bệnh nhân cách ly đầu tiên, toàn bộ các nhóm kỹ thuật đều phải vận hành, cụ thể là nhóm điều trị, nhóm phòng chống nhiễm khuẩn và nhóm dinh dưỡng tại bệnh viện phải bắt tay vào giải quyết. Khoa cấp cứu là tuyến đầu tiếp nhận bệnh nhân nhiễm Covid-19, đồng thời sàng lọc, tổ chức cách ly và đào tạo, đảm bảo an toàn cho tất cả các y bác sĩ. BS Cấp kể lại, nhóm cách ly đầu tiên tới bệnh viện là những người nước ngoài, khách du lịch và những người đi nước ngoài về nghỉ Tết, trong đó có cả người Trung Quốc và người châu Âu… với tác phong sinh hoạt khác nhau nên khi bị cách ly nhiều người tỏ ra bức xúc. Thậm chí, có người còn nặng lời với nhân viên y tế, không chịu hợp tác và đòi bỏ về.

“Chúng tôi gặp khó khăn ban đầu khi chưa có mồi thử virus, nên bắt buộc phải sử dụng phương pháp giải trình tự gene mất khoảng 3 ngày. Trong trường hợp không may mẫu gặp trục trặc, chúng tôi phải tiến hành lại. Như vậy, có những bệnh nhân mất 6 ngày mới có kết quả xét nghiệm, nên họ phải chờ lâu và khó chịu… Lúc đó, chúng tôi phải cố gắng nhẫn nại và mềm mỏng vì đặc trưng của chống dịch là “đảm bảo hiệu quả tối đa trong nguồn lực tối thiểu”, BS Cấp chia sẻ.

Ngày 29 Tết Nguyên đán, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đoàn công tác của Bộ Y tế đã kiểm tra, đánh giá khả năng ứng phó dịch Covid-19 của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Tại BV có 3/6 phòng cách ly áp lực âm (của cả nước); 100 giường bệnh để sẵn sàng tiếp nhận và theo dõi bệnh nhân, đồng thời có đội cấp cứu lưu động sẵn sàng hỗ trợ cho địa phương.

Để chuẩn bị ứng phó dịch Covid-19, BV đã phân khu vực và bố trí nơi cách ly, đồng thời giải tỏa các bệnh nhân hiện đang điều trị tới những khu vực khác để thiết lập khu vực và đảm bảo việc cách ly, tổ chức cách ly. Tiếp đến là việc cung ứng các vật dụng, đảm bảo hậu cần cho những người cách ly và cuối cùng là sàng lọc. Tuy nhiên, những công việc này diễn ra đúng vào dịp Tết nên triển khai khá khó khăn, nhất là khi huy động nguồn lực.

BS Cấp nói rằng: “Có thể chúng tôi không đạt được mức bệnh nhân hài lòng, nhưng chúng tôi đảm bảo được họ an toàn”.

“Do đúng vào dịp Tết Nguyên đán nên việc huy động các dịch vụ là rất khó. Nhưng khi đó, có những cuộc họp căng thẳng, kể cả lúc giữa đêm mà vẫn đông đủ các bộ phận. Tất cả đều mong muốn tìm hướng giải quyết khuyên nhủ bệnh nhân yên tâm ở lại viện điều trị ”, BS cấp nói thêm.

 Cũng là một thành viên khoa Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bác sĩ Nguyễn Viết Nam không ít lần chứng kiến sự thiếu hợp tác và bức xúc của người bệnh: “Họ bức xúc và to tiếng cãi nhau với nhân viên y tế. Những tình huống này chúng tôi đã tương đối quen, vì “làm dâu trăm họ”. Mỗi ngày, chúng tôi khám cho hàng trăm bệnh nhân và mỗi người một tính nên chúng tôi đã trải qua tình huống này tương đối nhiều”.

Theo BS Nam, vì số lượng người mắc bệnh và tử vong ở Trung Quốc rất nhiều, nên có trường hợp khi vào cách ly đã vô cùng hoang mang. Tất cả y bác sĩ đều đã động viên để họ yên tâm và tuân thủ tốt phác đồ điều trị. Một số bệnh nhân rất thông cảm, nhưng cũng có người chưa hiểu rõ về bệnh nên thể hiện sự bức xúc với nhân viên y tế khi đến khám, có những trường hợp không hợp tác và bỏ về, khiến bệnh viện phải nhờ đến sự can thiệp của chính quyền và công an.

“Một số trường hợp có biểu hiện lâm sàng và yếu tố dịch tễ nên được tư vấn phải cách ly trong 14 ngày. Một số người hiểu và đồng ý vào viện, nhưng có những trường hợp không đồng ý vào viện cách ly. Với các trường hợp không hợp tác, chúng tôi phải báo cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội và có trường hợp lực lượng công an phải vào cuộc để đưa bệnh nhân vào viện”, BS Nam nói.

Không chỉ tiếp nhận những ca có yếu tố dịch tễ và nghi nhiễm Covid-19, những ngày đầu, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương còn có rất đông các ca bệnh thường đến khám vì lo lắng. Khối lượng công việc của các y bác sĩ, các nhân viên BV tăng đột biến vì dịch bệnh. Với các bệnh nhân nhiễm Covid-19 nói riêng và bệnh nhân bệnh truyền nhiễm nói chung, các nhân viên y tế đều phải tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu bảo hộ của Bộ Y tế. Đặc biệt, ứng phó với các bệnh lây qua đường hô hấp, các y bác sĩ được trang bị các bộ đồ phòng hộ và khẩu trang, găng tay chống dịch, mạng và mũ chống dịch. Sau khi tiếp xúc bệnh nhân cũng đều vệ sinh và sát trùng kỹ.

Căng thẳng, áp lực và chính bản thân mình cũng đối mặt với nguy cơ lây nhiễm, các y bác sĩ phải giữ sự tỉnh táo, không để xảy ra sai sót dù là nhỏ nhất.

“Chúng tôi đều xác định tinh thần từ khi dịch bệnh xuất hiện. Không chỉ Covid-19, các dịch như Ebola, MERS CoV, SARS… cũng rất nguy hiểm. Chúng tôi luôn sẵn sàng tâm lý để ứng phó với dịch bệnh”, BS Nguyễn Viết Nam nói.

Cũng theo BS Nam, nhiều người đã tỏ thái độ “xa lánh” các bác sĩ vì làm việc ở tâm dịch. “Vợ tôi cùng làm tại BV nên hai vợ chồng dễ thông cảm cho nhau hơn so với người ngoài. Trong gia đình, ông bà cũng thông cảm ngay từ khi tôi vào làm tại bệnh viện”, anh tâm sự.

Đổi lại sau những vất vả hy sinh của các bác sĩ là nụ cười hạnh phúc của người bệnh khi điểu trị khỏi.

Tới chúc mừng ba bệnh nhân từ Vũ Hán (Trung Quốc) trở về đã được điều trị khỏi tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương và xuất viện ngày 10/2, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khẳng định, với khả năng chăm sóc và điều trị của các y bác sĩ tại đây, người dân có thể yên tâm hoàn toàn với “lá chắn” tuyến đầu trước dịch Covid-19./.

Theo VOV


Lượt xem: 54

Trả lời