Bộ GD-ĐT báo cáo vấn đề rà soát SGK và học phí cho năm học mới

Cập nhật 11/5/2023, 13:05:18

Chiều 10/5, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm việc với Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan về vấn đề SGK và học phí cho năm học mới.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Nghị quyết 88 của Quốc hội ban hành năm 2014 có nhiều chủ trương mới về sách giáo khoa (SGK), trong đó, thực hiện 1 chương trình thống nhất cả nước, mỗi môn học sẽ có từ 1 đến một số SGK và thực hiện xã hội hoá việc biên soạn SGK.

Chương trình và SGK mới đã triển khai ở các lớp 1, 2,3 cấp tiểu học, lớp 6, 7 cấp trung học cơ sở và lớp 10 cấp trung học phổ thông. Hiện Bộ GD-ĐT đã thẩm định xong SGK lớp 4, lớp 8 và lớp 11, Bộ Tài chính đã thẩm định giá, đảm bảo đủ điều kiện thực hiện vào năm học 2023-2024.

Đối với SGK lớp 5, lớp 9 và lớp 12, các đơn vị biên soạn sách đã thử nghiệm xong và đang chuẩn bị thẩm định, dự kiến sẽ phê duyệt danh mục sách vào tháng 12 năm nay.

Riêng các bộ SGK tiếng dân tộc thiểu số, hiện bộ đang gặp khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức xuất bản, phát hành, do đó chưa có SGK tiếng dân tộc thiểu số lớp 1, lớp 2 để dạy học theo lộ trình. Bộ GD-ĐT cũng đề xuất 3 phương án ngân sách Nhà nước hỗ trợ mua SGK cho học sinh mượn sử dụng.

Về tiến độ in, phát hành sách phụ vụ cho năm học mới, SGK các lớp đang triển khai theo chương trình mới, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã in được 81%, còn sách lớp 4, lớp 8 và lớp 11 đã in được 79%.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: “Năm nay, việc chọn SGK tập trung vào lớp 4, lớp 8 và lớp 11. Theo đó, Bộ Tài chính cũng đang tiến hành thẩm định giá cho các bộ SGK này. Đến ngày 9/5, đã có 37 trên 63 tỉnh thành là chọn xong SGK lớp 4, lớp 8 và lớp 11, trong đó, Hà Nội và TP.HCM Hồ Chí Minh đã hoàn thành lựa chọn. Các địa phương khác chưa lựa chọn do còn đợi thẩm định giá của Bộ Tài chính. Một trong các điều kiện để chọn sách là so sánh giá cao thấp như thế nào”.

Liên quan đến giá SGK, bà Đinh Thị Nương, Phó Cục trưởng Cục quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, do SGK thuộc thẩm quyền định giá của doanh nghiệp nên Bộ Tài chính chỉ thực hiện rà soát kê khai giá. Sau khi hoàn thành rà soát các bộ sách lớp 4, lớp 8 và lớp 11, Bộ Tài chính đã yêu cầu Nhà xuất bản Giáo dục rà soát lại các chi phí và thực hiện việc kê khai lại.

“Còn một số SGK sau khi rà soát thì mức giá giảm từ 2% đến 10% so với giá kê khai trước đó. Từ nay đến 15/5, sẽ rà soát, kê khai xong tất cả SGK để các đơn vị triển khai thực hiện”, bà Nương cho biết thêm.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính cần thông báo rộng rãi tiến độ in sách, kết quả rà soát giá sách tới các địa phương để các địa phương còn lại kịp thời triển khai chọn, đăng ký mua sách giáo khoa lớp 4, lớp 8, lớp 11 đảm bảo tiến độ thực hiện.

Về vấn đề học phí theo Nghị định 81 của Chính phủ, sau khi nghe ý kiến đại diện Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tài chính…, Phó Thủ tướng đồng ý với phương án các trường đại học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định 81, phù hợp với điều kiện cụ thể.

Đối với bậc học mầm non, tiểu học, trung học, việc tăng học phí do HĐND các tỉnh, thành phố quyết định theo điều kiện của địa phương. Đồng thời, Bộ GD-ĐT cần tính toán tác động xã hội đến những nhóm đối tượng chính sách, yếu thế sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí không thể đi học do học phí tăng, từ đó, có phương án hỗ trợ cụ thể, “bảo đảm mục tiêu nhất quán là Nhà nước thực hiện phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở”.

“Ở những khu vực có điều kiện kinh tế thì thúc đẩy xã hội hoá, khuyến khích tự chủ đối với các cơ sở giáo dục công lập trên cơ sơ tính đúng, tính đủ chi phí giáo dục, dành ngân sách Nhà nước để hỗ trợ cho các nhóm đối tượng chính sách, yếu thế, ở vùng sâu, vùng xa”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Thủ tướng, đối với giáo dục đại học và đào tạo nghề, có thể xem xét lộ trình để sớm áp dụng các quy định về tăng học phí của Nghị định 81./.


Lượt xem: 1

Trả lời