Ý nghĩa của Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Cập nhật 08/6/2023, 06:06:45

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, trước tình thế của đất nước ta “ngàn cân treo sợi tóc”, do thù trong, giặc ngoài, nạn đói, nạn dốt hoành hành khắp nơi, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Như một lời hịch, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có tác dụng vô cùng to lớn, là nền tảng tinh thần, động viên, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua bao gian khổ, mất mát, hy sinh, giành được những thắng lợi có ý nghĩa lịch sử trong kháng chiến, kiến quốc, xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ngày 27/3/1948, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Phát động phong trào thi đua ái quốc”. Ngày 01/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh số 195 thành lập Ban vận động thi đua cứu quốc Trung ương. Ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc nhân kỷ niệm 1.000 ngày kháng chiến toàn quốc. Với cách viết rất ngắn gọn, xúc tích, dễ hiểu và nội dung sâu sắc, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã động viên, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta cùng quyết tâm hăng hái thi đua yêu nước để thực hiện mục tiêu cấp bách lúc bấy giờ của cách mạng đó là: “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm” nhằm “kháng chiến, kiến quốc” thành công. Người chỉ rõ: “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, gái, trai; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên một mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa”. “Với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta, với lòng yêu nước và chí kiên quyết của Nhân dân và quân đội ta, chúng ta có thể thắng lợi, chúng ta nhất định thắng lợi”.

Thạc sỹ Lê Thị Tình – Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị tỉnh Gia Lai nói: “Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa và tác dụng rất lớn về mặt tinh thần, đã hiệu triệu toàn thể Nhân dân tham gia các phong trào cách mạng ở bối cảnh lịch sử đặc biệt lúc bấy giờ. Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh có tác dụng to lớn trong việc tạo ra được sức mạnh nội sinh, sức mạnh to lớn, sức mạnh tinh thần đặc biệt trong bối cảnh đặc biệt lúc bấy giờ để hiệu triệu, lôi cuốn toàn thể người dân Việt Nam, giúp toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nỗ lực hết mình, phát huy ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng trong hoàn cảnh đặc biệt.”

Hưởng ứng lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, các phong trào cách mạng thi đua yêu nước đã được dấy lên mạnh mẽ, rộng khắp trong cả nước theo tinh thần phải “Làm cho mau. Làm cho tốt. Làm cho nhiều”như phong trào: “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”, “Bình dân học vụ”,“Tuần lễ vàng”, “Cờ Ba nhất” trong quân đội; “Gió Đại Phong” trong nông nghiệp; “Sóng Duyên Hải” trong công nghiệp; “Hai tốt” trong giáo dục; “Ba sẵn sàng” và “Năm xung phong” trong thanh niên… Chính từ những phong trào thi đua ái quốc đó, đặc biệt là đã phát huy được sức mạnh to lớn của quần chúng Nhân dân nên góp phần quan trọng vào thắng lợi của dân tộc ta trong hai cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc vô cùng gian khổ và ác liệt. 75 năm đã trôi qua nhưng Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị.

Ông Nguyễn Đình Tiến – Giám đốc Sở Nội vụ, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Gia Lai nói: “Tròn 75 năm kể từ ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, công tác thi đua trên địa bàn tỉnh Gia Lai có những chuyển biến rất tích cực trong điều kiện cả nước cũng như tỉnh chúng ta vừa trải qua đại dịch Covid-19, Lời kêu gọi thi đua yêu nước của Bác và những nội dung về công tác thi đua khen thưởng đã đi vào cuộc sống, khích lệ các tầng lớp Nhân dân tập trung hoạt động sản xuất kinh doanh, khôi phục nền kinh tế của tỉnh sau đại dịch Covid-19.”

Thạc sỹ Lê Thị Tình – Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị tỉnh Gia Lai trao đổi: “Trong bối cảnh hiện nay, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị. Để thực hiện tốt tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc, trước hết chúng ta phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với quần chúng Nhân dân; và những chủ trương, chính sách phải phù hợp với thực tiễn, mang lại lợi ích thiết thân của quần chúng Nhân dân và qua đó sẽ tạo hiệu ứng về mặt tinh thần để quần chúng Nhân dân tham gia tích cực các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt nhiệm vụ của cách mạng.”

Khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự lực, tự cường và tạo nên sức mạnh nội sinh, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi như ngọn cờ động viên, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục vượt qua mọi gian nan, thử thách, hăng hái thi đua để thực hiện mục tiêu, khát vọng phát triển, xây dựng đất nước ta hùng cường, giàu mạnh, “ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, “Tất cả vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”./.

Hà Đức – R’Piên


Lượt xem: 11

Trả lời