Xuân ấm no trên vùng biên giới Chư Prông

Cập nhật 20/1/2023, 06:01:48

Với sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước; vùng biên giới Chư Prông hôm nay đã khoác lên mình chiếc áo mới của sự đổi thay, phát triển. Với người dân trên vùng biên giới Chư Prông, xuân năm nay càng nhân lên những niềm vui mới khi cuộc sống ngày càng ấm no, đủ đầy.

Góp phần cùng cả nước trong thực hiện công cuộc di dân lòng hồ sông Đà để làm thủy điện, huyện Chư Prông đã là nơi dừng chân và định cư của hàng trăm hộ dân tỉnh Hòa Bình và các hộ đi kinh tế mới từ các tỉnh Thái Nguyên, Hưng Yên, Ninh Bình… đến lập nghiệp. Thôn Bắc Thái, xã Ia Lâu hiện có 225 hộ với 1.015 khẩu; trong đó 95% là người dân tộc Tày và Nùng. “Đất lành chim đậu”, từ khi đi kinh tế mới vào những năm 1993, đến nay cuộc sống của người dân thôn Bắc Thái đã ổn định và ngày càng phát triển, niềm tin của người dân vào những chương trình, dự án của Đảng, Nhà nước càng được nhân lên; để rồi từ đó, trong công cuộc xây dựng quê hương hôm nay, mỗi người dân đều hăng hái và tự nguyện đóng góp những gì có thể.

Ông Nguyễn Xuân Trường – Thôn Bắc Thái, xã Ia Lâu,  huyện Chư Prông phấn khởi nói: “Bây giờ thì khác so với cách đây hai mươi mấy năm rồi. Thì thực sự trong khoảng tầm 4-5 năm trở lại đây thì thôn, làng có đường bê tông đi, xây lại được hội trường, rồi trường, trạm, kênh mương làm tất cả. Nhà nước lo tất cả cho người dân và thế này là người dân rất tin tưởng vào Đảng, Nhà nước”.

Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp với quyết tâm thoát nghèo, từ 5 sào đất/hộ dân được Nhà nước hỗ trợ ban đầu theo chương trình hỗ trợ định canh định cư đối với dân đi kinh tế mới, nhiều hộ trên địa bàn xã Ia Piơr, huyện Chư Prông đã dần mở rộng diện tích canh tác lên vài ha; chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa nên tăng thu nhập, vươn lên làm giàu. Cùng với cây mỳ, cây lúa, nhiều nông dân ở xã Ia Piơr cũng đã mạnh dạn phát triển một số loại cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao như chanh dây. Những mùa vụ thắng lợi, bội thu người dân càng thêm gắn bó với mảnh đất vùng biên này.

Anh Phạm Văn Thành – Làng Me, xã Ia Piơr, huyện Chư Prông nói: “Giờ trồng mỳ, trồng lúa hay trồng những cây khác thì lợi nhuận không bằng chanh dây, nói thật như vậy. Trung bình nếu không tính vốn ban đầu mà tính vốn năm thứ hai thì 01ha chanh dây mình đạt 400 đến 500 triệu/ha, đó là giá đạt. Nếu giá 4-5 ngàn mình không nói nhưng giá thành từ 8 ngàn trở lên thì 01ha mình đạt 400 đến 500 triệu/năm”.

Ông Bùi Văn Tiến – Chủ tịch UBND xã Ia Piơr, huyện Chư Prông cho biết: “Nhìn lại chặng đường phát triển thì thấy xã và nhất là cuộc sống của người dân cũng đã có sự đổi thay khá là nhiều. Điểm nhấn là cơ sở hạ tầng có sự phát triển và thứ hai là cuộc sống người dân được nâng lên ổn định và sự phát triển đó gắn liền với những loại cây sản xuất phát triển tại địa phương như cây điều, cây lúa; và hiện tại thì người dân cũng đã chủ động tìm tòi học hỏi, đã mạnh dạn đầu tư một số mô hình mới về cây ăn trái cũng như là sản xuất cơ giới hóa hơn và áp dụng KHKT vào sản xuất”.

Mang đậm dấu ấn kết quả của công cuộc di dân lập nghiệp và cả những sắc màu văn hóa của đồng bào các dân tộc phía Bắc; những nếp nhà sàn của người Tày, Nùng, Mường, Thái, Dao… và của dân tộc Jrai, Bahanr bản địa đã tạo nên diện mạo mới cho vùng biên giới Chư Prông. Cùng với sự quan tâm hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, chính nỗ lực của những người dân đã và đang vẽ nên bức tranh phát triển không ngừng của vùng đất Chư Prông hôm nay. Trong thanh âm của đất trời, vùng biên giới Chư Prông cũng đang chào đón mùa xuân mới – một mùa xuân no ấm, yên bình và mang theo bao ước vọng về sự đổi thay./.

 Mỹ Tiến, Huy Toàn


Lượt xem: 11

Trả lời