Xã Hbông (Chư Sê) tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi

Cập nhật 21/9/2019, 16:09:20

Trước thực trạng các loại cây công nghiệp có xu hướng giảm giá, vài năm trở lại đây Đảng ủy, chính quyền xã HBông, huyện Chư Sê xác định việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi là hướng đi đúng trong phát triển nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho nông dân.

Với tiềm năng trên 1.500 ha đất nông nghiệp có thể phát triển cây ăn quả, những năm qua xã HBông khuyến khích người dân chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao để tăng thu nhập. Đến nay toàn xã đã phát triển được hơn 200 ha cây ăn quả như: Thanh long ruột đỏ, bưởi da xanh, nhãn lồng Hưng Yên… Trong đó, nhiều vườn cây ăn quả đã cho thu hoạch và đem lại thu nhập ổn định cho người dân.

Bà Phạm Thị Thuế – Xã H’Bông, huyện Chư Sê, Gia Lai cho biết: Cây thanh long trồng ít bệnh, thu nhập được, bệnh tật nó đỡ, nước nôi cũng ít. Nói chung hàng xuất khẩu đi thì cần quả đều, đẹp chứ không cần to quá.  Mình thấy bán 15.000 đồng/kg tại vườn thậm chí là 10.000 đồng/kg thì cũng có lời rồi vì ít chi phí đầu tư và công chăm sóc.

Không những chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều hộ dân trên địa bàn xã cũng tích cực chuyển đổi trong chăn nuôi. Trong đó nhiều hộ chú trọng ứng dụng công nghệ cao trong tuyển chọn giống vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao; phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại, bán công nghiệp, sản xuất theo chuỗi giá trị tập trung…

Anh Trịnh Duy Tâm – Làng Kueng Xí nghiệp, xã H’Bông, huyện Chư Sê, Gia Lai cũng cho biết: “Trang trại của tôi hiện có 300 đến 400 con dê. Tôi đang nuôi hiệu quả với mô hình thúc thịt vỗ béo. Và hướng là nuôi vỗ béo như các tỉnh miền Nam. Tôi thành lập HTX để liên kết,  tiêu thụ sản phẩm với số lượng lớn. Tôi đi tìm đầu mối ở các tỉnh phía Nam để bán ra với số lượng lớn, đảm bảo thu nhập và không bị ép giá”.

Ông Nguyễn Hữu Tỵ – Chủ tịch UBND xã H’Bông, huyện Chư Sê, Gia Lai trao đổi: “Thời gian mấy năm gần đây cây công nghiệp có xu thế hạ giá, nên xã cũng định hướng người dân chuyển đổi sang một số cây trồng, vật nuôi phù hợp với địa phương. Khó khăn đó là hiện nay chỉ là phát sinh của tự hộ gia đình thôi chưa có liên kết trong sản xuất. Trên địa bàn xã hiện nay đang có 2 hợp tác xã đang hoạt động và xu hướng sẽ đưa các hộ vào HTX vào để liên kết sản xuất tạo thành chuỗi đầu ra ổn định cho sản phẩm”.

Bên cạnh việc tập trung chỉ đạo nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với thổ nhưỡng, từng bước đa dạng hóa cây trồng có năng suất chất lượng cao. Hiện xã HBông cũng đang tranh thủ sự hỗ trợ của các cấp, ngành đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất để việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên trên địa bàn xã mang lại hiệu quả tích cực./.

 Lê Thư, Thiên Thanh, Minh Trí


Lượt xem: 274

Trả lời