Ký ức Điện Biên mãi trong trái tim người lính

Cập nhật 07/5/2024, 06:05:46

Sau 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, những Chiến sĩ Điện Biên năm xưa nay đều đã ở tuổi trên dưới 90. 70 năm qua đi, nhưng những trận chiến đấu oanh liệt năm nào đã làm nên đại thắng “Lừng lẫy năm châu – chấn động địa cầu” vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức với những kỷ niệm thiêng liêng và niềm vinh dự, tự hào sâu sắc; đó là cả một thời thanh xuân tươi đẹp, ý nghĩa trong những Chiến sĩ Điện Biên đã cống hiến cho Tổ quốc.

Tổng kết Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, khi nói tới các mũi phối hợp với chiến trường chính, Đại tướng – Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã dành lời tuyên dương Trung đoàn 66, đại ý: Sức mạnh và hiệu quả chiến đấu của Trung đoàn 66 như một binh đoàn. Lời tuyên dương quý báu đó của Đại tướng đã được các cán bộ, chiến sĩ trong Trung đoàn mãi mang theo, trong đó có Cựu chiến binh Lưu Thế Quý – một trong những chiến sĩ vinh dự tham gia chiến đấu trực tiếp trong đội hình Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 (tên phiên hiệu hồi ấy là Đại đoàn Vinh Quang); trong đó có đồng chí Lê Khả Phiêu – Nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ông Lưu Thế Quý kể, trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Trung đoàn 66 đã tham gia 9 chiến dịch lớn, khi ở hướng chính, khi ở hướng phối hợp, từ đồng bằng cho đến rừng núi phía Bắc, Thanh Hóa; rồi phối hợp với cả bộ đội Pa- Thét (Lào) trong chiến đấu. Trung đoàn 66 đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và hai lần vinh dự được nhận danh hiệu cao quý “Đơn vị Anh hùng”.

Cựu chiến binh Lưu Thế Quý – Xã Ia Pal, huyện Chư Sê, Gia Lai tự hào nói: “4 đơn vị phối hợp với nhau tại trận đánh Điện Biên Phủ, chúng tôi vừa bao vây bên ngoài, rồi tiến dần vào. Nhiệm vụ chính của Trung đoàn chúng tôi lúc đó là bao vây, rồi tiến vào sau cùng. Bốn đơn vị là được phân công lần lượt nhau đánh, cuối cùng tại đồn A1, là chúng tôi trực tiếp đánh. Chúng tôi đánh từ Hòa Bình cơ, rồi qua Sơn La, rồi sang cả Lào, 2 lần sang Lào…”

Thực tế diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ cho thấy, quân và dân ta đã phấn đấu thực hiện nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu với một quyết tâm rất cao, sự bền bỉ vượt qua khó khăn, gian khổ rất lớn và tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường để giành chiến thắng. Đặc biệt, khi ta thay đổi phương châm tác chiến, từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” thì việc giải quyết hàng loạt vấn đề đặt ra về mặt tư tưởng là rất quan trọng. Trong ký ức của những chiến sĩ năm ấy, suốt 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, thế nhưng không nề hà gian khổ, bằng sự gắn bó khăng khít, keo sơn, đồng cam, cộng khổ, với quyết tâm và lòng dũng cảm, mỗi người một nhiệm vụ, ai ai cũng nỗ lực hết mình, hoàn thành tốt mọi vị trí công việc, cùng góp sức làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu – chấn động địa cầu”.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Bán – Phường Thắng Lợi, TP. Pleiku, Gia Lai cho biết: “Lúc đó tôi được sư đoàn 305 phân công bổ sung thêm trinh sát đặc công cho 1 tiểu đoàn. Lúc đó, mình còn trẻ mà, chỉ đâu làm đấy, đi hết quả đồi này đến quả đồi khác để đưa thông tin, hồi đó không hiện đại như bây giờ, đưa thông tin chỉ có 1 cái máy quay như thế này nè…”

Cựu chiến binh Nguyễn Đình Xoang – Xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa, Gia Lai bồi hồi kể: “Mình hồi đó cứ gánh lựu đạn, súng đạn ra chiến trường, tiếp tế cho quân mình chiến đấu. Cái thời ấy, bộ đội, dân quân, du kích, gắn bó với nhau, làn trước đánh, thì mình ở làn sau, hộ vệ tải đạn đến, tiếp tế kịp thời để đủ sức chiến đấu…”

Cựu chiến binh Mạnh Đức Phú – Phường Yên Đỗ, TP. Pleiku, Gia Lai chia sẻ: “Thời gian đó, chúng tôi có nhiều kỷ niệm, chúng tôi nhớ rất sâu sắc, chúng tôi sống bên nhau rất nghĩa tình, phấn khởi, hồ hởi lắm và luôn luôn tập trung vào nhiệm vụ của mình. Hồi đó, tôi là thợ sửa chữa xe trong chiến dịch. Thời bình thì không sao, chứ thời đó, sửa xe là yêu cầu phải khẩn trương, nhưng mà cũng phải tỉ mỉ, phải nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ.”

Sau chiến thắng lịch sử hào hùng, trở về từ chiến trường Điện Biên Phủ, những người lính năm xưa dù hoạt động trên lĩnh vực nào cũng vẫn gìn giữ, phát huy phẩm chất tốt đẹp của người lính Cụ Hồ; là những công dân gương mẫu, đóng góp công sức, trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương, đất nước; là những tấm gương sáng cho con cháu noi theo. Nhưng có lẽ, những người lính năm xưa đều mãi đau đáu, ghi khắc trong ký ức là nghĩa tình đồng chí đồng đội…

Cựu chiến binh Trần Minh Thiêm – Thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa, Gia Lai xúc động: “Chúng tôi hồi đó là có 3 anh em: La Văn Cầu, Giáp Văn Khương và Trần Minh Thiêm… Sau khi giải phóng được Điện Biên tôi trở về Hà Nội cùng dự Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua. Không biết bây giờ anh Giáp Văn Khương còn không, còn qua thông tin báo Đài thì tôi biết anh La Văn Cầu còn, tôi còn, có lẽ là còn cả.”

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Bán – Phường Thắng Lợi, TP. Pleiku, Gia Lai xúc động: “Bây giờ cái khổ của mình đã qua rồi, Đảng và Bác Hồ đã để lại một đất nước như thế này, cả một thế hệ là phải tiếp tục phát triển vươn lên. Tôi còn sống, nhưng các đồng chí của tôi… Cảm ơn các đồng chí.”

Ông Đinh Ngọc Hải – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai cho biết: “Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Mặt trận tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch đi thăm các Chiến sĩ Điện Biên nhằm thể hiện sự quan tâm của Đảng, của Nhà nước đến các cụ đã trực tiếp tham gia chiến đấu, đó cũng là trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay khi được sống trong nền hòa bình, độc lập, tri ân sâu sắc những đóng góp, cống hiến của các cụ. Hiện toàn tỉnh Gia Lai có 24 chiến sĩ Điện Biên, trong đó có 12 cụ còn sống, qua trực tiếp, đi thăm thì cảm thấy rất tự hào, vinh dự, các cụ tuy tuổi đã cao, sức đã yếu, nhưng tinh thần khí thế của người chiến sĩ Điện Biên thì mãi còn hào hùng.”

70 năm trôi qua, những năm tháng cùng đồng đội chiến đấu gian khổ, ngoan cường; về sự hy sinh dũng cảm của biết bao đồng chí và Chiến thắng Điện Biên Phủ sẽ mãi là phần đẹp đẽ nhất, thiêng liêng nhất, mãi mãi không phai mờ trong tâm thức của những Chiến sĩ Điện Biên năm xưa. Giờ đây những ký ức ấy không chỉ là niềm tự hào của riêng những người lính, mà đó còn là của cả dân tộc, là ý thức trách nhiệm kế thừa và phát huy của thế hệ trẻ hôm nay và mai sau để góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam.

Trương Trang – Duy Linh


Lượt xem: 8

Trả lời