Ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm: Giải pháp đảm bảo nước tưới cho cây trồng trong mùa khô

Cập nhật 31/3/2023, 16:03:54

Gia Lai đang bước vào tháng cao điểm của mùa khô. Một trong những vấn đề bà con nông dân đang quan tâm nhất chính là việc đảm bảo nguồn nước tưới cho cây trồng vụ Đông Xuân 2022-2023. Và để duy trì và đảm bảo được nguồn nước tưới cho cây trồng, trong khi hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thể bao phủ hết tất cả các vùng sản xuất thì việc ứng dụng mô hình tưới tiết kiệm được xem là tối ưu và hiệu quả nhất.

Vườn cà phê hơn 2 ha của gia đình anh Vũ Văn Hanh ở làng Út 1, xã Ia Hrung, huyện Ia Grai đang đang được áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, với đường ống mềm, bám sát gốc cây và mặt đất. Cà phê khi được tưới bằng béc phun mưa đã làm mát cây, tạo độ ẩm đều cho đất, kích thích sự sinh trưởng của cây trồng một cách tốt nhất. Việc áp dụng phương pháp tưới này giúp gia đình anh Hanh tiết kiệm được tối đa lượng nước tưới cho cây từ 30-50% so với phương pháp tưới tràn gốc như trước đây.

Anh Vũ Văn Hanh – Làng Út 1, xã Ia Hrung, huyện Ia Grai nói: “Nhân công có sẵn, trước kia mình tưới dí từng bồn theo kiểu truyền thống, phải mất cả đêm ngày. Bây giờ công nghệ phát triển, mình cũng áp dụng thì rất là hiệu quả. Như diện tích cà phê này mình đang tưới bec trên cao, vừa tưới mát cây, vừa rửa trôi bụi bẩn trên cây. Rất là tiện lợi.”

Thời điểm này, khi thời tiết đã bước vào cao điểm của mùa khô, huyện Ia Grai cũng như các địa phương khác trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành gần 100% kế hoạch gieo trồng vụ Đông Xuân 2022 – 2023. Theo thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh Gia Lai, toàn tỉnh đã có trên 77 nghìn ha cây trồng các loại được xuống giống. Bà con nông dân đang tích cực chăm sóc tốt cây trồng để có được năng suất cao. Cùng với đó, ngành chức năng các địa phương cũng đã chủ động xây dựng các phương án sản xuất, nhất là phương án đảm bảo nguồn nước tưới. Trong đó, ngoài việc khai thác hiệu quả nguồn nước từ các công trình thủy lợi thì một giải pháp được thực hiện song hành là đẩy mạnh các giải pháp sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nước.

Ông Phan Đình Thắm – Trưởng phòng NN & PTNT huyện Ia Graicho biết: “Về phương án chống hạn, hiện nay các hệ thống thủy lợi trên địa bàn và khai thác tốt các hệ thống sông, suối, ao hồ để phục vụ cho vụ tưới. Hiện trên địa bàn cũng đã thành lập tổ khuyến nông, tổ điều tiết nước để cho lịch thời vụ tưới, đảm bảo tiết kiệm nguồn nước tưới, không để xảy ra tranh chấp nguồn nước tưới.”

Theo Sở NN & PTNT, đến nay toàn tỉnh đã có trên 42 nghìn 400 ha cây trồng ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Trong đó, mô hình tưới tiết kiệm được ứng dụng nhiều nhất trên cây cà phê với khoảng 13 nghìn ha; tiếp đó là cây hồ tiêu với trên 2 nghìn 400 ha; rau, đậu đỗ, hoa các loại khoảng 7 nghìn 200 ha; cây ăn quả hơn 10 nghìn 400 ha.

Ông Đoàn Ngọc Có – Phó Giám đốc Sở NN & PTNT tỉnh Gia Lai trao đổi: “Đây là giải pháp hết sức quan trọng để ứng phó với biến đổi khí hậu. Chúng ta biết Gia Lai chỉ có 352 công trình thủy lợi với năng lực tưới khoảng 68 nghìn ha. Nếu chúng ta phát huy hết công suất các công trình thủy lợi này thì diện tích cây trồng của tỉnh, cộng với diện tích tưới tiết kiệm đã có với trên 42 nghìn ha nữa thì mới đáp ứng được gần 13% tổng diện tích cây trồng của tỉnh. Như vậy chúng ta phải đẩy nhanh cái này, nhất là với cây trồng cạn, cây ăn trái.”

Công nghệ tưới tiết kiệm không chỉ giúp giải bài toán về hệ thống thủy lợi  đang thiếu mà còn được đánh giá sẽ góp phần rất tốt trong việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ngọc Hà – Minh Trung


Lượt xem: 3

Trả lời