Tự hào tà áo dài truyền thống

Cập nhật 04/3/2020, 08:03:46

Áo dài Việt Nam là y phục truyền thống và là biểu tượng về nét đẹp văn hóa đặc sắc của dân tộc. Không ai có thể phủ nhận rằng hình ảnh người phụ nữ Việt Nam dường như đẹp hơn, mềm mại và thanh thoát hơn trong tà áo dài. Theo đó, nhằm góp phần khẳng định bản sắc văn hóa qua chiếc Áo dài Việt Nam, đồng thời khơi dậy niềm tự hào và trách nhiệm giữ gìn, phát huy Di sản Việt Nam, nhiều hoạt động hưởng ứng sự kiện “Áo dài Tây Sơn thượng đạo – Xưa và nay”đã được triển khai ngay từ đầu tháng 3 này.

Dù đã ra Giêng, vẫn không ít khách hàng tìm đến tiệm may Xuân Lý – một trong những tiệm may có thâm niên hơn 30 năm ở phố núi Pleiku. Với chị Xuân Lý – chủ tiệm, mỗi khách hàng là một cơ hội giúp chị được một lần thỏa mãn niềm đam mê với tà áo dài truyền thống và cũng là ước mơ được nuôi nấng từ thuở bé.

Chị Nguyễn Thị Xuân Lý – Tiệm may áo dài Xuân Lý, 40 Phan Bội Châu, Pleiku, Gia Lai chia sẻ: “Khi may áo dài mà khách mặc lên khen áo dài đẹp quá thì mình rất thích và cuốn theo công việc cho đến tận bây giờ. Theo tôi nghĩ nếu mình yêu nghề, dù già đi, tuổi tác nhiều, sức khỏe giảm đi, mình làm ít đi nhưng nghề thì vẫn tồn tại, không thể biến mất đi như tà áo dài Việt Nam vẫn luôn tồn tại với phụ nữ Việt”.

Trải qua thời gian, chiếc áo dài vẫn hiện hữu trong đời sống của người Việt. Có thể để phù hợp hơn với từng giai đoạn lịch sử, kiểu dáng, chất liệu, những hoạt tiết hay đường nét cắt ráp có những thay đổi, tuy nhiên chiếc áo dài với dáng vẻ truyền thống của mình không chỉ giúp tôn vinh vẻ đẹp quyến rũ của người phụ nữ Việt, mà còn khơi gợi vẻ đẹp bí ẩn của người phụ nữ Á Đông.

Chị Nguyễn Thị Kim Ngân, GV Trường MN Hoa Hồng, Tp.Pleiku, Gia Lai cho biết: “Áo dài ngày xưa đa số người lớn tuổi thường mặc những dịp lễ quan trọng hay đại hội của cơ quan, nhưng bây giờ cuối tuần vẫn có thể mặc áo dài đi cafe với bạn bè. Tôi thấy áo dài truyền thống ngày càng phổ biến rộng rãi hơn. Tôi tự hào nét đẹp áo dài Việt Nam mình”.

Trong khuôn khổ sự kiện “Áo dài – Di sản văn hóa Việt Nam” do TW Hội LH Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch phát động, Hội LH phụ nữ tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng sự kiện “Áo dài Tây Sơn thượng đạo – Xưa và nay”, trong đó đặc biệt phối hợp với LĐLĐ tỉnh triển khai trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp mặc áo dài khi đến công sở làm việc từ ngày 2 – 6/3/2020.

Chị Trần Thị Lệ Huyền, Phó trưởng ban Tuyên giáo – Nữ công, Liên đoàn lao động tỉnh Gia Lai cho biết: “Lâu nay áo dài chỉ được mặc trong những dịp hội họp, trang trọng, nhưng bây giờ áo dài trở thành trang phục công sở thì áo dài trong giao tiếp để lại hình ảnh đẹp, rất dễ cảm tình với mọi người. Đặc biệt khi khoác lên mình bộ áo dài, vẻ đẹp người phụ nữ càng được tôn thêm và thêm duyên dáng, thanh lịch”.

Bà Phạm Thị Hoa, Phó CT thường trực Hội LHPN tỉnh Gia Lai cho biết: “Nhân kỷ niệm 1980 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng và 110 năm ngày quốc tế phụ nữ 8/3, hưởng ứng sự kiện áo dài – di sản Văn hóa VN do TW hội phụ nữ VN phát động, Ban chấp hành Hội LHPN Gia Lai tổ chức các hoạt động tôn vinh sự kiện “Áo dài Tây sơn thượng đạo – Xưa và nay” với các hoạt động: mời chuyên gia về nói chuyện chuyên đề áo dài, triển lãm tranh áo dài, trình diễn thời trang áo dài xưa – nay ở thị xã An Khê. Bên cạnh đó, vận động các nhà may trên địa bàn tỉnh tham gia thiết kế và may áo dài trên các chất liệu lụa tơ tằm, thổ cẩm”.

Lần tìm về quá khứ mới hiểu rằng để trở thành một quốc phục, chiếc áo dài đã có một hành trình rất dài từ cách đây hàng ngàn năm. Với lịch sử phát triển qua thời gian dài như vậy, chiếc áo dài Việt Nam đã hoàn thiện hơn bao giờ hết và trở thành biểu tượng của nền văn hóa, không chỉ là cảm hứng sáng tác không dứt của nghệ thuật Việt Nam mà còn là niềm tự hào của không chỉ phụ nữ Việt./.

Hòa Giang, Mạnh Hà


Lượt xem: 335

Trả lời