Từ cây đan sâm đến sản phẩm OCOP cấp tỉnh

Cập nhật 20/1/2023, 06:01:29

Xuất phát từ niềm đam mê đối với các loại cây dược liệu và được chắp cánh bởi Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đang được triển khai tích cực trên địa bàn tỉnh Gia Lai, HTX Dược liệu xanh Mang Yang đã trồng thử nghiệm và nghiên cứu cho ra thị trường những sản phẩm chất lượng, có tác dụng chăm sóc sức khỏe từ cây đan sâm. Không chỉ tạo ra được những sản phẩm OCOP chất lượng, việc lựa chọn trồng và chế biến nhiều sản phẩm từ cây dược liệu đan sâm đang mở ra hướng phát triển kinh tế mới khá triển vọng đối với nhiều nông dân trên địa bàn huyện Mang Yang.

Sau một thời gian tìm hiểu, năm 2018, chị Nguyễn Hồng Dịu, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX Dược liệu xanh Mang Yang ở thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang đã mua và trồng thử nghiệm một số cây dược liệu, trong đó có cây đan sâm trên 2 sào đất của gia đình. Nhờ có kiến thức và kinh nghiệm của một giáo viên môn Sinh học, chị Dịu đã trồng thành công cây đan sâm trên đất Mang Yang. Từ đây, chị đã mở rộng diện tích trồng cây đan sâm lên 2 hecta theo hình thức liên kết với một số hộ dân khác, đồng thời tìm tòi để chế biến sâu cây dược liệu này thành một số sản phẩm chăm sóc sức khỏe.

Chị Nguyễn Hồng Dịu – Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX Dược liệu xanh Mang Yang chia sẻ: “Mình trồng thử cây đan sâm ở đây thì nó không tốn nhiều công chăm sóc, không cần phân bón hóa học mà cây đan sâm phát triển rất tốt. Mình đã trực tiếp cầm củ cây đan sâm này đi kiểm tra hàm lượng dược liệu thì được đánh giá rất cao. Hàm lượng chính của cây đan sâm này có tác dụng phá tiết khối, đó là hàm lượng dược chất tansinon II. Cái này được ghi nhận mình cảm thấy vui và gần như mình đã thành công với ý tưởng của mình”.

Sau khi sản xuất được nguyên liệu, HTX Dược liệu xanh Mang Yang đã chế biến và cung cấp ra thị trường nhiều sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ cây đan sâm như rượu đan sâm, cao đan sâm, củ đan sâm sấy khô. Theo đơn vị sản xuất, một trong những công dụng chính từ những sản phẩm này là dưỡng huyết và thông huyết mạch. Để sản xuất được những sản phẩm đảm bảo chất lượng, nhất là rượu đan sâm, HTX Dược liệu xanh cũng đầu tư công nghệ sản xuất rượu tách andehit. Cùng với cao đan sâm, rượu đam sâm đã bước đầu được người tiêu dùng đón nhận. Đặc biệt hơn, 2 sản phẩm này đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Ông Võ Minh Quang – Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mang Yang thông tin: “Hiện nay trên địa bàn huyện mới triển khai trồng được 5 hecta cây đan sâm. Bước đầu đưa sản phẩm ra thị trường đã được chấp nhận và cũng có chỗ đứng trên thị trường. Sản phẩm của HTX sản xuất ra không đủ tiêu thụ. Thời gian đến, Phòng NN&PTNT huyện cũng khuyến khích và phối hợp với HTX định hướng mở rộng cây đan sâm này. Vì đây cũng là cây trồng mới trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, Phòng NN cũng phố hợp với Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ 1 phần kinh phí để khuyến khích HTX phát triển, mở rộng diện tích cây đan sâm, cùng với đó là cây dược liệu trên địa bàn huyện theo kế hoạch đã đề ra”.

Chị Nguyễn Hồng Dịu – Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX Dược liệu xanh Mang Yang cho biết: “Tiếp cận với OCOP của địa phương, mình thấy rất là hay. Đó là bước đầu thúc đẩy người nông dân sáng tạo ra sản phẩm của riêng mình. Sau đó nhà nước có rất nhiều chương trình hỗ trợ quảng bá sản phẩm nữa. Đó là một điều quá tuyệt vời đối với bản thân mình nên mình cũng nhanh chóng đón nhận và tham gia. Năm 2021, sản phẩm rượu đan sâm được đánh giá được 3 sao OCOP cấp tỉnh. Sau khi được công nhận sản phẩm OCOP mình rất là tự tin và bây giờ lượng sản phẩm được đưa ra thị trường khá là rộng”.

Năm 2022, HTX Dược liệu xanh Mang Yang đã cung cấp ra thị trường khoảng 5 nghìn lít rượu đan sâm. Để mở rộng thị trường, HTX đã mạnh dạn đầu tư hệ thống sản xuất rượu tách andehit hiện đại với năng suất cao có thể đạt 500 lít/ngày. Cùng với đó là mở rộng diện tích trồng cây đan sâm lên 10 hecta trong thời gian tới và đạt 25 hecta vào năm 2025. Đặc biệt, HTX cũng dự kiến sẽ xúc tiến việc hình thành vùng nguyên liệu của các công ty dược. Điều này đang mở ra cơ hội phát triển kinh tế mới khá triển vọng đối với người dân địa phương khi tham gia liên kết trồng cây đan sâm. Từ thực tế cho thấy, cây đan sâm khá dễ trồng, không tốn nhiều chi phí phân bón và công chăm sóc. Sau gần 1 năm được chăm sóc, cây đan sâm sẽ cho thu hoạch với năng suất khoảng 10 tấn củ tươi. Với giá thành khoảng 30 nghìn/kg tươi và 250 nghìn đồng/kg khô, 1 hecta đan sâm có thể cho thu nhập từ 200 đến 400 triệu đồng./.

 Ngô Thanh, Minh Trung


Lượt xem: 9

Trả lời