Triển khai chương trình Giáo dục phổ thông mới cấp tiểu học

Cập nhật 21/2/2020, 07:02:18

Với kỳ vọng sẽ khắc phục những hạn chế, bất cập của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, chương trình giáo dục phổ thông mới đang được trong giai đoạn tích cực chuẩn bị để chính thức được triển khai vào năm học 2020 – 2021 bắt đầu từ lớp 1. Bước vào học kỳ II của năm học 2019 – 2020, Sở GD – ĐT Gia Lai đã tổ chức hội nghị triển khai chương trình này cho tất cả các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh với tính chất một buổi hội thảo để lắng nghe ý kiến từ cơ sở để có những chỉ đạo kịp thời trong giai đoạn nước rút này.

Hơn 300 đại biểu là hiệu trưởng của tất cả các trường tiểu học trên địa bàn toàn tỉnh cùng với lãnh đạo phòng giáo dục – đào tạo, đặc biệt là lãnh đạo các địa phương đã tham gia hội nghị. Các hội nghị liên quan đến chương trình giáo dục phổ thông mới có thể nói đã được tổ chức khá nhiều. Nhưng đây có lẽ là hội nghị có số lượng đại biểu nhiều nhất và tập trung vào nội dung cụ thể nhất liên quan đến việc thay sách giáo khoa cho học sinh khối lớp 1 vào năm học sắp tới.

Bà Nguyễn Thị Như Thủy – Phó trưởng phòng GD – ĐT huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai cho biết: “Về chương trình giáo dục phổ thông mới chúng tôi đã được tiếp cận từ trước, hôm nay tham gia hội nghị này thêm 1 lần nữa tiếp cận sâu và kỹ hơn về lộ trình thực hiện chương trình và đặc biệt là chuẩn bị sẵn sàng để thực hiện CT này vào năm học 2020 – 2021 từ lớp 1. Với tư cách là đại biểu, chúng tôi về đây vừa là nắm bắt chủ trương, nắm bắt tinh thần hội nghị vừa là trao đổi, bàn bạc và đề đạt ý kiến để làm sao việc thực hiện chương trình được trôi chảy và thành công nhất”.

Gia Lai hiện có 288 trường có cấp tiểu học với 974 điểm trường, tổng số học sinh gần 167 ngàn em. Theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, hiện nay, tỷ lệ học sinh được học định 2 buổi/ngày, tức là 9-10 buổi/tuần vẫn còn khá thấp chỉ với 20,46%. Cùng với đó tỷ lệ phòng học và giáo viên chưa đủ để tổ chức dạy 2 buổi/ngày; nhiều trường còn thiếu các phòng chức năng và trang-thiết bị phục vụ công tác dạy-học theo chương trình mới. Một số cán bộ quản lý, giáo viên chưa mạnh dạn thực hiện đổi mới phương pháp giáo dục từ những năm học trước; chưa chú trọng thực hiện các chương trình tích hợp, các hoạt động giáo dục kỹ năng sống trong trường học; tình trạng học sinh bỏ học, vắng học, ngồi nhầm lớp vẫn còn; xã hội hóa giáo dục còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ ở các cơ sở giáo dục…Đây là những nội dung được các đại biểu, nhất là các đơn vị trường học quan tâm tại hội nghị lần này.

Cô giáo Hồ Thị Thúy Ngân – Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Du, xã Ia Băng , huyện Chư Prông trao đổi: “Với cá nhân tôi, đứng đầu 1 đơn vị trực tiếp thực hiện việc thay sách rất muốn nghe các ý kiến chỉ đạo của các cấp thứ nhất là việc bổ sung cơ sở vật chất, đây là điều kiện rất quan trọng để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Thứ 2 là đội ngũ GV đúng tỷ lệ 1,5 GV/lớp, nhất là với lớp 1 vì CT PT mới các em phải học 2buổi/ngày có thể 7 -10 buổi vì thế tỷ lệ GV rất cần thiết. Nếu không đủ các trường phải tự xoay sở bằng cách phân công GV tăng buổi mà việc XHH hiện rất khó khăn”.

Trên cơ sở phân tích những khó khăn, thách thức, đại biểu đã thảo luận các giải pháp để thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới cấp tiểu học từ năm học 2020-2021, trước mắt ưu tiên cho lớp 1. Được biết, so với chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, chương trình 2018 có ít môn học hơn do thực hiện chủ trương tích hợp cao ở các lớp dưới. Tuy nhiên, trong chương trình 2018 lại có thêm 2 môn học mới là Ngoại ngữ 1, Tin học và Công nghệ bắt buộc từ lớp 3 đến lớp 5./.

Hòa Giang, Thanh Sáng


Lượt xem: 108

Trả lời