Trao lại quyền chọn sách giáo khoa cho nhà trường

Cập nhật 23/1/2024, 06:01:37

Nếu như năm học 2020 – 2021, năm đầu tiên áp dụng Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, việc lựa chọn sách giáo khoa thuộc quyền của nhà trường và giáo viên; nhưng sau đó (từ 2021 đến 2023), việc lựa chọn sách lại thuộc UBND cấp tỉnh, thành; các trường chỉ đóng góp ý kiến. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, phương án này đã mang lại hiệu quả không cao khi mỗi địa phương có một cách làm riêng, dẫn tới việc nhiều nơi chậm công bố kết quả lựa chọn, ảnh hưởng đến việc cung ứng sách giáo khoa cho năm học mới. Để khắc phục vấn đề này, mới đây Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 27 để trao lại quyền chọn sách giáo khoa cho các trường.

Sau 4 năm triển khai Chương trình GDPT 2018, Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái, xã Ia Lâu, huyện Chư Prông đều sử dụng bộ sách Kết nối tri thức và cuộc sống để giảng dạy trong nhà trường. Theo các giáo viên được lựa chọn để thẩm định sách trước mỗi năm học cho nhà trường, trước đây việc thẩm định, lựa chọn đều được các cấp có thẩm quyền tôn trọng, nhưng với những quy định chặt chẽ được ban hành trong Thông tư 27 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thầy cô sẽ yên tâm hơn với việc lựa chọn sách để giảng dạy trong nhà trường.

 Cô giáo Nông Thị Phương – Khối trưởng Khối 4, Trường TH Phạm Hồng Thái, huyện Chư Prông nói: “Cái thuận lợi là khi nhà trường được lựa chọn sách thì sẽ lựa chọn được những bộ sách phù hợp với điều kiện, đặc điểm của nhà trường. Thứ hai nữa là trường sẽ chọn được bộ sách nào phù hợp với khả năng tiếp nhận của học sinh để giảng dạy”.

Theo Thông tư số 27 về lựa chọn sách giáo khoa, có hiệu lực từ ngày 12/2 tới, việc lựa chọn sách giáo khoa được giao cho các cơ sở giáo dục nhưng phải đảm bảo các nguyên tắc như: Lựa chọn SGK trong danh mục đã được phê duyệt; mỗi môn học, hoạt động giáo dục ở các khối lớp lựa chọn 1 sách giáo khoa; việc lựa chọn SGK bảo đảm thực hiện dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, vì quyền lợi của học sinh.

Thầy giáo Hồ Thanh Cảnh – Hiệu trưởng Trường THCS Lê Đình Chinh, huyện Chư Prông nói: “Khi Thông tư 27 có hiệu lực thì nhà trường sẽ tiến hành lựa chọn sách với thành phần như Ban Giám hiệu, Tổ trưởng các bộ môn, giáo viên bộ môn, đại diện cha mẹ học sinh. Quan điểm của nhà trường là mỗi trường nên chọn 1 bộ sách để dễ dàng hơn trong công tác quản lí”.

Cô giáo Phạm Thị Thanh Thủy – Tổ trưởng Tổ Sử – Địa – GDCD,  Trường THCS Lê Đình Chinh, huyện Chư Prông cho biết: “Quan điểm của tôi thì cũng thống nhất chọn ra một bộ sách phù hợp với đặc điểm tình hình của trường, cũng như sự tiếp thu kiến thức của các em học sinh”.

Bên cạnh phản hồi tích cực với chủ trương trao lại quyền chọn sách giáo khoa cho các trường, các cơ sở giáo dục cũng mong muốn các giáo viên có nhiều thời gian hơn để nghiên cứu tất cả các bộ sách giáo khoa trong danh mục đã được phê duyệt.

Cô giáo Hoàng Thị Kiệm – Hiệu trưởng Trường TH Phạm Hồng Thái, huyện Chư Prông trao đổi: “Đề xuất với cấp trên, thứ nhất về sắp xếp thời gian nếu được thì nên sắp xếp vào thời gian hè để cán bộ giáo viên có nhiều thời gian hơn để tham khảo SGK; thứ 2 là các bản sách mẫu nên đưa về sớm để các cơ sở giáo dục có điều kiện để có những lựa chọn đúng đắn nhất”.

Đội ngũ giáo viên trực tiếp dạy học sẽ có đủ khả năng lựa chọn sách giáo khoa cho học sinh và cho mình, nên việc giao các trường lựa chọn sách giáo khoa là chủ trương đúng. Tuy nhiên, để lựa chọn được bộ sách thực sự phù hợp thì các giáo viên được giao trọng trách cần tích cực hơn nữa trong nghiên cứu sách giáo khoa và các tài liệu dạy học.

Quốc Linh – R’Piên


Lượt xem: 2

Trả lời