Tình trạng đăng ký khai sinh quá hạn ở huyện vùng sâu Kông Chro

Cập nhật 06/5/2016, 13:05:58

Gia Lai là tỉnh còn nhiều khó khăn với gần 45% dân số là người dân tộc thiểu số. Trình độ nhận thức hạn chế, tập quán sinh hoạt còn lạc hậu, cộng với tình trạng tảo hôn vẫn còn diễn ra… là những nguyên nhân dẫn đến việc đăng ký khai sinh quá hạn vẫn còn phổ biến tại các huyện vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Phóng sự được thực hiện tại huyện Kông Chro-một trong những huyện nghèo, có đông người dân tộc thiểu số sẽ phản ánh rõ hơn thực tế này.

 

Việc đăng ký khai sinh đúng hạn tại  Kông Chro vẫn chưa có nhiều chuyển biến đáng kể

Đang có ý định gửi con 2 tuổi đi học mẫu giáo tại trường mẫu giáo của xã, anh Đinh Er  ở làng Tnung 1, xã Ya Ma đến trường xin cho con đi học thì mới biết là cần phải có giấy khai sinh để làm hồ sơ cho con. Ngay sau đó, anh đến UBND xã để làm giấy khai sinh dù trước đây được nghe tuyên truyền rất nhiều nhưng nghĩ đơn giản là chưa cần dùng giấy khai sinh làm gì nên anh chưa làm.

Anh Đinh Er  cho biết: “Nhờ cán bộ xã làm thủ tục, tuyên truyền cho dân biết được làm giấy khai sinh để được hưởng quyền lợi, làm bảo hiểm để khám chữa bệnh, đi học. Do gia đình chúng tôi sơ suất chứ không phải do cán bộ, vì làm giấy khai sinh được hưởng lợi rất nhiều”.

Trường hợp của anh Đinh Er cũng là tình trạng chung của nhiều hộ người DTTS tại các xã trên địa bàn huyện Kông Chro. Theo thống kê của Phòng Tư pháp huyện, năm 2015 trên địa bàn có hơn 2.200 trường hợp đăng ký khai sinh thì trong đó có đến trên 1.800 trường hợp đăng ký khai sinh quá hạn. Trong quý 1 năm nay, trong tổng số hơn 300 trường hợp đến đăng ký khai sinh thì chỉ có trên 90 trường hợp đăng ký đúng hạn, còn lại là quá hạn. Các xã: Sơ Ró, Yang Nam, Chư Krey, Đak Kơ Ning… là những xã có nhiều trường hợp đăng ký khai sinh quá hạn nhiều nhất huyện. Dù  các cấp chính quyền địa phương, ngành chức năng trên địa bàn đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền, tổ chức làm giấy khai sinh lưu động tại thôn, làng song việc đăng ký khai sinh đúng hạn tại địa phương vẫn chưa có nhiều chuyển biến đáng kể.

Ông Huỳnh Trọng Nam – Cán bộ Tư pháp xã Chư Krey, huyện Kông Chro cho biết thực trạng việc  làm giấy khai sinh trên địa bàn: “Khi nào cần giấy tờ bên hộ khẩu, trường học yêu cầu thì họ mới đi khai sinh, khi tổng hợp giấy tờ gì đó mà không có tên thì họ mới đi khai sinh, đặc thù của xã mình là thế. Giờ người dân cũng tiến bộ dần rồi”.

Ông Chu Văn Thuần – Trưởng Phòng Tư pháp huyện Kông Chro cũng cho biết: “Do nhận thức của người dân chưa đảm bảo, việc tảo hôn vẫn còn chiếm tỉ lệ cao dẫn đến việc khai sinh không đúng quy định hiện hành. Đặc biệt ở đây hầu như đồng bào DTTS các mẹ sinh tại thôn, nương rẫy nên cúng bái vẫn còn xảy ra, khai sinh quá hạn. Đơn vị sẽ xây dựng và chỉ đạo Chủ tịch UBND các xã chỉ đạo cán bộ tăng cường công tác xây dựng kế hoạch, tổ chức đăng ký khai sinh lưu động tại các thôn, làng. Trước khi tổ chức đăng ký lưu động thì rà soát, lập danh sách các gia đình có con em trong độ tuổi  sinh ra mà chưa đăng ký khai sinh, khai tử quá hạn và đăng ký kết hôn”.

Theo luật định, kể từ khi sinh con đến 60 ngày cha mẹ phải đi đăng ký khai sinh cho con. Trước thực tế số trường hợp đăng ký khai sinh quá hạn của địa phương vẫn còn chiếm tỉ lệ cao, huyện Kông Chro đang tiếp tục thực hiện các biện pháp phù hợp với đặc thù của địa phương nhằm thay đổi nhận thức, thói quen của người dân, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi đi làm giấy khai sinh nhằm giảm tỉ lệ khai sinh quá hạn trên địa bàn, qua đó thực hiện tốt công tác quản lý nhân, hộ khẩu tại địa phương, cũng như đảm bảo các quyền lợi về giáo dục, y tế… cho trẻ em./.

Thiên Thanh – Mỹ Tiến- Duy Linh – Đặng Trà


Lượt xem: 176

Trả lời