Tìm cây trồng phù hợp thay thế diện tích hồ tiêu chết

Cập nhật 24/7/2020, 16:07:51

Những năm gần đây khi diện tích cây hồ tiêu chết hàng loạt cộng với giá hồ tiêu giảm mạnh đã khiến nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai rơi vào cảnh lao đao; thậm chí, không ít hộ dân đã phải bỏ quê để đi làm ăn xa. Việc tìm kiếm những cây trồng phù hợp thay thế diện tích tiêu chết đang là hướng đi được người dân và chính quyền địa phương bắt tay cùng thực hiện.

Cách đây vài năm, ông Ngô Văn Cẩn và nhiều hộ dân khác tại huyện Chư Pưh đành bất lực nhìn toàn bộ diện tích hồ tiêu của gia đình chết dần, chết mòn vì dịch bệnh.

Tiêu chết, nhiều người đành lựa chọn bỏ xứ đi làm thuê để trang trải cuộc sống và trả lãi ngân hàng thì ông Cẩn vẫn quyết tâm bám trụ lại. Toàn bộ diện tích hồ tiêu trước đây đã được gia đình ông thay thế bằng giống chanh không hạt. Qua 2 năm, loại cây trồng này bước đầu đã cho kết quả khả quan.

Ông Ngô Văn Cẩn – Xã Chư Don, Chư Pưh, Gia Lai nói: “Năm nay mới bước vào kinh doanh. Đến thời điểm này đã cho hoa, trái nên tôi tiếp tục đầu tư. Tính về kinh tế thì tôi chỉ mong sao giá chanh được khoảng 10 – 15 ngàn đồng thì như thế kinh tế đã đủ ổn định rồi”.

Còn đây là mô hình trồng dâu nuôi tằm của các nông hộ thuộc xã Ia Le, huyện Chư Pưh. Từ những diện tích mang tính thử nghiệm ban đầu, đến nay mô hình này đã thu hút được 21 thành viên tham gia với diện tích xấp xỉ 10 ha. Toàn bộ diện tích này được phát triển trên diện tích hồ tiêu bị chết. Sau hơn 1 năm triển khai, từ hiệu quả của mô hình đem lại, đến nay số thành viên đăng ký tham gia cũng như diện tích trồng dâu đã không ngừng tăng lên.

Ông Trần Bá Chiến – Xã Ia Le, huyện Chư Pưh, Gia Lai nói: “Tôi đã làm cây dâu này rồi, vì thế tôi khẳng định cây dâu có thể làm giàu và xóa đói giảm nghèo được. Vì cây dâu phù hợp với đất nơi đây, vốn cũng không nhiều và nhanh thu hoạch”.

Việc tìm kiếm các loại cây trồng phù hợp để từng bước thay thế những diện tích tiêu kém hiệu quả đang là chủ trương được các địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai tích cực triển khai. Phương án liên kết chuỗi sản xuất, bao tiêu sản phẩm cũng đã được tính đến.

Ông Hoàng Văn Hoan – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Pưh, Gia Lai cho biết: “Xây dựng mô hình cho nông dân để vực dậy nền kinh tế, vì thế nên phải kêu gọi các công ty, doanh nghiệp liên kết chuỗi. Và trồng, thu mua nông sản để người dân họ yên tâm”.

Có được các loại cây trồng phù hợp cũng như các giải pháp canh tác bền vững đã từng bước hồi sinh lại vùng đất này. Nhiều diện tích trồng tiêu vốn bị bỏ hoang hoá trong nhiều năm giờ đã được phủ xanh bởi các loại cây ăn trái, dâu tằm đem lại hiệu quả kinh tế cao. Quan trọng hơn, tư duy của người nông dân cũng nhờ đó cũng đã được thay đổi theo hướng bề vững hơn./.

Đoàn Bình, Thanh Sáng

 

 


Lượt xem: 44

Trả lời