Tiếp sức cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo

Cập nhật 29/4/2023, 10:04:01

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã bao phủ khắp các buôn, làng trên địa bàn tỉnh Gia Lai và thổi “làn gió mới”, góp phần làm thay đổi rõ nét diện mạo nông thôn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, nhờ có sự tiếp sức của nguồn vốn, cộng với sự chăm chỉ trong làm ăn, phát triển kinh tế, nhiều hộ đã chủ động vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ngày càng sung túc, ấm no.

Tính đến cuối tháng 4.2023, tổng dư nợ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác thông qua kênh Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đạt hơn 6.145 tỷ đồng; trong đó riêng đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn thông qua các chương trình chiếm hơn 50% tổng dư nợ. Nguồn vốn tín dụng chính sách phủ khắp các buôn, làng đã tạo đòn bẩy, tiếp thêm động lực và tạo điều kiện để đồng bào vươn lên thoát khỏi đói nghèo.

Được vay vốn, lại chăm chỉ làm ăn, lo toan cuộc sống, cuối năm 2022, gia đình Juh sau khi thoát khỏi diện hộ nghèo vẫn tiếp tục vay thêm 40 triệu đồng tại Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Chư Păh thông qua gói cho vay hộ mới thoát nghèo để đầu tư phát triển diện tích cà phê và chăn nuôi bò. Anh Juh chia sẻ: Nếu không có nguồn vốn tín dụng chính sách hỗ trợ thì không biết đến khi nào gia đình mới thoát khỏi diện hộ nghèo

Anh Juh – Làng Kênh Chóp, xã Ia Nhin, huyện Chư Păh chia sẻ: “Hiện tại gia đình đang cố gắng để làm ăn, phát triển kinh tế. Gia đình không biết nói gì thêm, chỉ biết cảm ơn các ban, ngành ở tỉnh, ở huyện, ở xã giúp gia đình vay vốn.”

Chị Ksor H’Hunh – Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn làng Kênh Chóp, xã Ia Nhin, huyện Chư Păh nói: “Hiện nay thì hội viên vay là 57 hộ, số tiền là 2 tỷ 530 triệu. Hàng tháng là mình phải đi từng nhà kiểm tra, đôn đốc trả nợ đúng thời hạn và kiểm tra xem nguồn vốn đầu tư đúng mục đích hay không.”

Chỉ tính riêng năm 2022, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã giải ngân các chương trình tín dụng với tổng số tiền hơn 1.000 tỷ đồng cho 26.440 lượt hộ đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn để đầu tư phát triển kinh tế. Riêng thực hiện Nghị định 28 của Chính phủ về cho vay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; ngân hàng đã kịp thời giải ngân cho 985 hộ dân tộc thiểu số vay hơn 47 tỷ đồng để hỗ trợ làm nhà ở, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và chuyển đổi nghề cho bà con. Cho vay theo Nghị định 28 tiếp tục được xem là chương trình trọng tâm Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Gia Lai triển khai trong năm 2023 nhằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo.

Ông Đinh Văn Nghĩa – Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Gia Lai trao đổi: “Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo Nghị định 28. Chương trình này thì thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 và là 1 trong 3 chương trình lớn mà Đảng, Nhà nước triển khai. Chúng tôi cũng sẽ tập trung cho công tác kiểm tra, giám sát để cho hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả. Đồng thời kết hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan có liên quan để lồng ghép các chương trình khuyến nông, khuyến lâm để tạo sự gắn kết giữa tín dụng chính sách với các chương trình mục tiêu để bà con sử dụng nguồn vốn có hiệu quả.”

Ông Nguyễn Hữu Hoàng – Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Ayun Pa cho biết: “Ngân hàng chính sách sẽ tập trung huy động mọi nguồn lực xã hội để đáp ứng và mở rộng cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Ngoài ra thì chúng tôi tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng và chất lượng hoạt động tại các điểm giao dịch xã, tổ tiết kiệm vay vốn để làm sao nguồn vốn đến tay người dân phát huy hiệu quả tốt nhất.”

Để nguồn vốn tín dụng chính sách tiếp tục lan tỏa khắp các buôn, làng; tiếp thêm sức mạnh để bà con vươn lên thoát nghèo, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Gia Lai đã và đang duy trì có hiệu quả gần 3.500 tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động tại cơ sở. Đây thực sự là “cánh tay nối dài” nhằm liên kết giữa Ngân hàng Chính sách xã hội với người dân; đồng thời thay ngân hàng trực tiếp giám sát, quản lý nguồn vốn vay một cách tốt nhất.

Đoàn Bình – Minh Trung – Huy Toàn


Lượt xem: 14

Trả lời