Tiến sỹ nuôi bò

Cập nhật 27/4/2017, 14:04:30

Thung lũng Chư A Thai, nơi cư ngụ lâu đời của người Jrai bản địa gắn với huyền thoại Gươm thần với 15 đời Vua Lửa, thủ lĩnh tinh thần với khát vọng khắc chế thiên nhiên, cầu xin thần linh cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, dân làng no ấm. Ấy là  chuyện của ngày xưa, còn hôm nay trong phong trào Gia Lai chung sức xây dựng nông thôn mới, người dân nơi đây ai ai cũng quan tâm đến câu chuyện làm ăn, nhất là những cách làm ăn mới, trong đó có câu chuyện về ông Tiến sỹ nuôi bò.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân ở huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai, năm 29 tuổi, Nguyễn Đình Đức hoàn thành luận án tiến sĩ ngành quản trị kinh doanh  và trở thành giáo viên giảng dạy tại trường Đại Học Văn Lang thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2013, mặc dù công việc làm ăn ở thành phố vẫn đang thuận lợi, Đức đùng đùng quyết định cùng vợ, con khăn gói về quê  khởi nghiệp lại bằng nghề chăn nuôi  trong sự ngỡ ngàng, can ngăn của  gia đình .

Ông Nguyễn Đình Phúc (Cha của Tiến sỹ Nguyễn Đình Đức) kể: “Trong các người con của tôi, Đức ăn học thành đạt nhất. Có công việc làm ổn định ở Sài gòn gia đình cũng rất yên tâm . Nhưng khi Đức có ý định về quê phát triển kinh tế bằng chăn nuôi bò, gia đình cũng can ngăn, khuyên nhủ nhưng Đức không nghe”.

Những ngày đầu khởi nghiệp thật  không mấy dễ dàng. Từ  nguồn vốn vay ngân hàng và huy động bà con, bạn bè Đức đã rong ruổi khắp nơi, xuôi ngược từ Bắc đến Nam để học hỏi kinh nghiệm cách làm chuồng trại,  trồng giống cỏ nào là tốt, cách phối trộn thức ăn từ các phụ phế phẩm nông nghiệp sẵn có của địa phương … cũng như  tìm mua những giống bò ngoại  chất lượng cao  đem về nuôi sau đó lai lạo nhân đàn. Hì hục cả ngày lẫn đêm, Đức chăm sóc đàn bò với biết bao hy vọng. Trải qua những tháng ngày gian nan, vất vả  những lứa bò đầu tiên cứ lần lượt ra đời trong sự vui mừng của vị Tiến sỹ trẻ trên bước đường khởi nghiệp

Tiến sỹ Nguyễn Đình Đức, Huyện Phú Thiện –Gia Lai cho biết: “ Ở thung lũng Chư A thai này đất đai còn nhiều quá, người dân mình ở đây chưa khai thác hết tiềm năng đất đai ở đây rất lãng phí. Hơn nữa cuộc sống người dân ở đây còn nhiều khó khăn.  Vì vậy  sau khi mở rộng trang trại bò này,  tôi sẽ đưa giống bò  Bỉ 3B vào nuôi. Đây là giống bò siêu thịt, siêu nạc, thích nghi với điều kiện khí hậu ở Gia Lai,  ít bệnh, phàm ăn nâng cao hiệu quả chăn nuôi và sẽ tạo thêm việc làm cho nhiều lao động địa phương nữa”.

          Do có kiến thức, có tư duy làm ăn khoa học, đàn bò của tiến sỹ Đức tăng nhanh trên 2000 con. Trong những năm qua  trang trại của Đức   đã  trở  thành mô hình trực quan  hướng dẫn  đồng bào dân tộc Ba na, Jrai trong vùng áp dụng Khoa học kỹ thuật, chuyển đổi tập quán chăn nuôi  thả rông,  không  chuồng trại  sang phương thức  chăn nuôi tập trung, bán công nghiệp giúp nhiều hộ dân tộc thiểu số nơi đây có thêm hành trang để thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Ông Nay Per, Plei A Thai- xã Chư A Thai– huyện Phú Thiện –Gia Lai cho biết: “GĐ tôi chỉ có 2 vài sào lúa, mỗi năm thu hai vụ, chỉ đủ ăn hàng ngày , cuộc sống không khá giả lên được. Nhờ có anh Đức cho mượn bò nuôi rẻ, đến nay gia đình tôi đã có được 2 con bò của riêng mình rồi,  mừng lắm, cố gắng chăm sóc để đàn bò lớn nhanh, tăng thu nhập cho gia đình. Nhà mình ai cũng xem anh Đức như người thân trong gia đình”.

Không chỉ ở thung lũng Chư A Thai của  huyện Phú Thiện , mô hình nuôi bò của Tiến sỹ Nguyễn Đình Đức còn được mở rộng ở xã Hờ Bông huyện Chư Sê, xã Hà Ra huyện Mang Yang với số lượng lên tới cả ngàn con tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động người dân tộc thiểu số tại chỗ và người nghèo đến từ các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi….Nhờ đó, những hộ chăn nuôi bò ở đây ai cũng xây dựng được nhà cửa khang trang, vườn tược xanh tốt, cuộc sống no ấm đủ đầy.

Anh Phan Văn Tuấn, Người chăn nuôi bò ở Pleik Trớ xã Chư A Thai – Phú Thiện- Gia Lai nói: Gia đình tôi từ Bình Định lên đây nuôi bò cho anh Đức đã được 3 năm rồi. Cứ 1 con bò tôi được trả 400/1con/ năm, tiền phân bò anh Đức cho gia đình tôi bán lấy tiền chi tiêu hàng ngày. Như vậy với 200 con bò, một năm gia đình tôi có thu nhập trên 100 triệu đồng. Riêng tiền bán phân mỗi tháng cũng được trên 10 triệu đồng. Với khoản thu nhập này ở quê tôi làm không biết khi nào mới có.

Không dừng lại ở đó, mới đây  Đức  còn tiếp tục đầu tư 1 tỉ đồng mua  thêm 15ha đất nơi sát bìa rừng ở xã Chư A Thai để lập một trang trại mới đủ sức nuôi cả ngàn con bò mỗi năm. Với sự đầu tư bài bản, áp dụng công nghệ mới nhất, tuyển chọn bò chất lượng cao để gây đàn, Tiến sỹ nuôi bò đang thực hiện giấc mơ biến vùng đất hoang vu, nghèo nàn thành một vùng chăn nuôi trù phú ở thung lũng  Chư A Thai, như khát vọng bao đời của người dân nơi đây.

   Mỹ Linh- Mai Loan- Mạnh Hà


Lượt xem: 689

1 thought on “Tiến sỹ nuôi bò”

Trả lời