Tiền học phí và áp lực đối với học sinh đồng bào DTTS ở vùng III

Cập nhật 06/1/2017, 07:01:50

Theo quy định của Chính phủ kể từ năm học 2014-2015, học sinh  dân tộc thiểu số mầm non, cấp II, III không phải thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách… phải đóng học phí. Như vậy, áp theo quy định này, nhiều học sinh dân tộc thiểu số của tỉnh Gia Lai nằm trong diện phải đóng tiền học. Mặc dù số tiền học phí không cao nhưng cũng gây không ít khó khăn cho một bộ phận người dân và có sự tác động không nhỏ đến hiệu quả công tác vận động học sinh ra lớp.

Có lẽ đây là năm cuối cùng em Siu Lơn, học sinh lớp 9 trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, xã Ia Mơ, huyện Chư Prông đến trường. Lý do nghỉ học mà em và gia đình đưa ra cũng khá đơn giản, đó là vì hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn và phải đi lấy chồng.

Chị Siu Zin, mẹ Siu Lơn – Xã Ia Mơ – Chư Prông nói: “Gia đình tôi không có tiền, có tiền thì cho con đi học tiếp, không có tiền thì thôi”.

Theo quy định của Chính phủ, kể từ năm học 2014-2015, các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân sẽ thu học phí đối với học sinh, sinh viên. Riêng tại huyện Chư Prông, trong tổng số hơn 27 nghìn học sinh ở 3 cấp: Tiểu học, trung học cơ sở và mầm non sẽ có xấp xỉ 1.300 học sinh dân tộc thiểu số cấp II phải đóng học phí từ 30%-100% (tùy theo diện được miễn giảm). Theo đó, học sinh lớp 6-7 có mức đóng 9 nghìn đồng/tháng, học sinh khối lớp 8-9, 11 nghìn đồng/tháng. Mặc dù số tiền không nhiều  nhưng đã tạo áp lực cho học sinh cũng như phụ huynh khi đời sống của đại đa số hộ dân tộc thiểu số, nhất là ở các xã còn nhiều khó khăn.  Đơn cử tại trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, xã Ia Mơ, xã vùng 3 đồng thời là xã biên giới của huyện có 82 học sinh cấp II thì 58 em phải đóng học phí. Trong đó gần 50% số này được giảm 50% vì nằm trong diện hộ cận nghèo, số còn lại đóng 100% học phí. Điều này không chỉ là cái khó cho học sinh, phụ huynh mà còn tạo áp lực lớn đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên trong vận động học sinh đến trường.

Ông Nguyễn Hoàng Vũ – Phó Hiệu trưởng trường TH Nguyễn Văn Trỗi – Xã Ia Mơ – Chư Prông cho biết: “Khi chúng tôi đề nghị thu tiền thì các em trong diện đối tượng đó không ra lớp. Rồi cũng phải xuống làng để vận động các em đi học, vận động phụ huynh đóng tiền. Điều khó nữa là ranh giới giữa nghèo và không nghèo ở đây không có rõ ràng, hộ có sổ hộ nghèo và không có sổ hộ nghèo cũng khó phân biệt, giữa các em đóng tiền học và không đóng tiền học có sự so sánh với nhau. Qua đây, đề nghị cấp trên xem xét lại những đối tượng đóng học phí, đặc biệt là vùng biên giới khó khăn này. Vì như thế rất là khó, khó cho các em và cũng khó cho việc duy trì sĩ số của nhà trường”.

Qua thống kê sơ bộ, mặc dù mức thu thấp như vậy nhưng năm học vừa rồi, nhiều trường trên địa bàn huyện Chư Prông vẫn không thu đủ số tiền học phí của học sinh, nhất là học sinh dân tộc thiểu số. Không chỉ có vậy, việc thu học phí vô hình chung còn ảnh hưởng đến hiệu quả duy trì sĩ số học sinh đến trường ở không ít địa phương trong huyện. Đây cũng là vấn đề chung của hầu hết các huyện trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Tuy nhiên có một vấn đề cần phải bàn, đó là dù khó khăn đến đâu thì việc quan tâm đầu tư cho con cái học hành là việc cần phải làm của bất cứ gia đình nào. Rất tiếc tinh thần này lại chưa có ở một bộ phận không nhỏ đồng bào dân tộc thiểu số./.

Thu Thủy – Mỹ Tiến- R’Piên

 


Lượt xem: 57

Trả lời