Thực trạng về thủy lợi Krôngpa

Cập nhật 29/7/2014, 15:07:26

Huyện Krôngpa được xem là vùng đất “khát”, là “chảo lửa” bởi đặc thù khí hậu thường rất khắc nghiệt. Để phát triển ngành nông nghiệp của địa phương mang tính bền vững, những năm qua huyện Krôngpa luôn ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống các công trình thủy lợi, phân bố đều khắp các khu vực trên địa bàn, trong đó nhiều công trình đã phát huy hiệu quả.

 

 

Cánh đồng lúa huyện Krông Pa.

 

Công trình thủy lợi Iadred, huyện Krôngpa được đầu tư xây dựng năm 2006, hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2007 với tổng kinh phí đầu tư xây dựng hơn 70 tỷ đồng. Công trình có năng lực tưới cho hơn 600ha cây trồng, trong đó 350 ha lúa nước, còn lại là hoa màu và các loại cây ngắn ngày khác ở 2 xã IaDdred và IaRmok. Đây là một trong những công trình thủy lợi trong tỉnh phát huy hiệu quả rất tốt, góp phần đánh thức và khai thác tiềm năng của nhiều vùng đất tại đây. Nhất là từ khi có công trình này đã hình thành nhiều vùng chuyên canh cây lúa nước nên không còn tình trạng đói giáp hạt ở những vùng sâu vùng xa này nữa.

 

Trò chuyện cùng chúng tôi ông Ksor Lay-  xã IaDred, huyện Krôngpa tâm sự: “ Được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng công trình thủy lợi này nhân dân chúng tôi rất phấn khởi. Trước đây người dân trong xã chưa biết làm lúa nước vì không biết kỹ thuật và chưa có công trình thủy lợi, nay nhân dân biết làm lúa nước rồi, không còn đói giáp hạt nữa…”.  

                                                                                             

Huyện Krôngpa hiện có 10 công trình thủy lợi, trong đó một công trình thủy lợi có qui mô lớn đó là công trình hồ chứa nước IaMlá do Công ty khai thác công trình thủy lợi tỉnh quản lý với năng lực tưới theo thiết kế cho 5.150ha, do ách tắc về vốn nên chưa hoàn thành việc thi công. 9 công trình vừa và nhỏ còn lại do Trạm quản lý thủy nông huyện Krôngpa quản lý, trong đó có 2 trạm bơm, 3 hồ chứa, 4 đập dâng với năng lực tưới theo thiết kế 1.750ha. Nhờ chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống các công trình thủy lợi nên góp phần thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển ngành nông nghiệp ở địa phương như đã hoạch định. Khi thành lập, tổng diện tích gieo trồng của huyện Krôngpa chỉ khoảng 7.000ha, chủ yếu bằng phương pháp phát đốt chọc tỉa nên nạn đói nghèo hoành hành, nhưng đến nay, tổng diện tích gieo trồng của huyện lên đến 40 nghìn ha với nền sản xuất tiến bộ hơn gấp bội.

Qua trao đổi ông Đinh Xuân Duyên- Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Krôngpa cho biết: “Cùng với đầu tư phát triển các công trình thủy lợi thì các ngành chức năng ở địa phương đã tổ chức nhiều chương trình tập huấn, hướng dẫn nông dân áp dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên nhiều vùng đất trước đây trồng lúa rẫy và một số cây trồng khác kém hiệu quả, nay bà con đã chuyển sang trồng lúa nước. Việc phát triển các công trình thủy lợi đã thúc đẩy việc mở rộng diện tích cây lúa nước trên địa bàn…

                                                                                                     

Thuận lợi của huyện Krôngpa là địa hình sông suối rất nhiều, có thể bố trí xây dựng các công trình thủy lợi vừa và nhỏ. Trạm quản lý thủy nông huyện đã tổ chức khai thác tốt các công trình, nhưng vài năm trở lại đây địa hình sông suối nơi có công trình thủy lợi đã biến đổi nhiều nên đặt ra nhiều khó khăn trong việc khai thác một số công trình.

 

 

“Cái khó trong phát triển các công trình thủy lợi ở huyện Krôngpa, đó là hầu hết các trạm bơm đều bố trí dọc sông Ba với chênh lệch về độ cao rất lớn từ chỗ đặt trạm đến điểm hút nước. Thứ hai nữa là những năm gần đây do tác động của các công trình thủy điện nên mực nước sông Ba xuống thấp gây rất nhiều khó khăn trong tổ chức hoạt động các công trình thủy lợi. Hơn nữa chi phí sửa chữa rất cao. Về kế hoạch phục vụ sản xuất vụ mùa năm nay thì đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch trình UBND huyện từ đầu năm. Từ nguồn kinh phí của huyện, đơn vị đã bố trí 780 triệu đồng để duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi bị hư hỏng, đồng thời phối hợp với các xã tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp ngày công lao động để nạo vét bùi đất bị vùi lấp tại các công trình thủy lợi để khai thông dòng chảy, phục vụ tưới các loại cây trồng cho nông dân”.Ông Bùi Văn Xóa- Trạm trưởng Trạm quản lý thủy nông huyện Krôngpa chia sẻ.

                                   

Không còn manh mún, tự phát như trước đây mà việc sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện đang theo hướng sản xuất hàng hóa. Năng suất, sản lượng sản phẩm đạt cao đảm bảo sức cạnh tranh. Riêng trong năm 2013, tổng sản lượng lương thực của huyện đạt gần 37 ngàn tấn, tăng 600% so với khi thành lập huyện. Nhất là tình trạng hạn hán ở huyện đã được hạn chế. Điều đó phần lớn là nhờ đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi một cách hợp lý và phát huy hiệu quả. Nhiều nông dân trong huyện mong muốn Trung ương tiếp tục đầu tư để hoàn thiện việc xây dựng công trình thủy lợi IaMlá nhằm góp phần phát triển sản xuất ở nhiều địa phương trong huyện./. 

Hà Đức-R’Piên


Lượt xem: 98

Trả lời