Tạo động lực để giáo viên mầm non gắn bó với nghề

Cập nhật 06/1/2019, 20:01:04

Công việc của giáo viên mầm non là chăm sóc, nuôi dạy trẻ. Nghe có vẻ nhẹ nhàng Nhưng thực tế, công việc của giáo viên mầm non lại rất vất vả và nhiều áp lực.

Năm học này, tỉnh Gia Lai thiếu tối thiểu 1.316 giáo viên, còn  theo định mức  của Thông tư 06 thì thiếu tới 4.200 giáo viên. Trong khi công việc nhiều, mức lương lại chưa tương xứng. Vậy làm thế nào để những cô giáo mầm non thêm gắn bó với nghề, đó chính là trăn trở của bản thân các cô cũng như những người làm công tác quản lý.

Không chỉ đơn thuần là người giữ trẻ, các giáo viên ở bậc học đặc biệt này còn có trách nhiệm dạy dỗ, giáo dục trẻ một cách toàn diện, giúp trẻ hình thành, phát triển nhân cách ở những năm đầu đời.Công việc vất vả, đòi hỏi sự hy sinh lớn,…thế nhưng bên cạnh thu nhập chưa tương xứng, những người thầy đầu đời của trẻ còn chưa yên tâm với công việc của mình.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Sương – Giáo viên Trường Mẫu giáo Anh Đào, xã Phú An, huyện Đak Pơ cho biết: “Khó khăn nhất là tôi cảm thấy tuy mình cố gắng trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ nhưng do công việc bấp bênh, không ổn định với lại tiền bảo hiểm mình cũng không được hỗ trợ nên mình phải tự đóng. Không biết là những năm sau sẽ như thế nào, bản thân cũng hơi lo lắng”.

Năm học này, trường Mẫu giáo Anh Đào, xã Phú An, huyện Đak Pơ chiêu sinh được 8 lớp, nhưng do thiếu giáo viên nên nhà trường buộc phải giảm lớp, đồng thời ghép lớp trẻ 3 đến 4 tuổi. Thế nhưng, khó khăn lớn nhất của trường Mẫu giáo Anh Đào cũng như nhiều trường khác của huyện Đak Pơ hiện nay đó chính là xã hội hóa giáo dục để trả lương cho giáo viên. Do đó mà chất lượng dạy và học, vấn đề giải quyết bài toán huy động trẻ đúng độ tuổi ra lớp của nhà trường cũng gặp không ít trở ngại.

Cô Mai Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Anh Đào,xã Phú An, huyện Đak Pơ cũng nói: “Khi giảm lớp như vậy nó ảnh hưởng đến công tác chuyên môn và tỷ lệ học sinh ra lớp ở các lớp rất là đông. Sĩ số/lớp đều vượt định biên, như lớp lớn có lớp 38 đến 39 em học sinh đông ảnh hưởng đến cô giáo dạy vì khi ghép lớp trẻ 3 tuổi không thể học được kiến thức của trẻ 4 tuổi được cho nên giáo viên rất khó khăn khi dạy học, cô giáo rất là vất vả”.

 Với những lớp học bán trú, mỗi ngày các cô phải làm việc từ 8 đến 10 tiếng đồng hồ. Ngoài  việc chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ cho các cháu thì các cô giáo mầm non còn phải làm thêm nhiều việc không tên khác. Để có được những món đồ chơi bắt mắt như thế này dành cho các em học sinh thì buộc các cô phải mang về nhà làm khi quỹ thời gian ở trên lớp không có. Vì đây là một trong những tiêu chí để đánh giá chất lượng dạy và học của mỗi giáo viên.

Cô Lê Thị Minh Nguyệt, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Hoa Mai, xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ chia sẻ: “Quá trình mình tiến hành dạy học sinh 2 buổi/ ngày thì giáo viên phải thực hiện dạy 1 lớp 2 buổi/ngày (dạy cả ngày), vì vậy số giờ giáo viên đang thực dạy như vậy thì chiếm rất nhiều thời gian so với giờ quy định theo Thông tư 06. Nhà trường vận động giáo viên quy đổi thời gian làm đồ chơi tự tạo cho các cháu nhà trường sẽ lên kế hoạch giảm lại để các cô đầu tư thời gian chủ yếu là dạy học, về nhà tự túc làm đồ dùng đem lên trường, thỉnh thoảng nhà trường mới tập trung 1, 2 ngày kiểm tra thôi vì thời gian các cô làm đồ dùng trên trường là không có”.

 Có lẽ, hầu hết những giáo viên mầm non đều đã bén duyên với nghề từ tình yêu con trẻ và tình nguyện trở thành những người mẹ thứ hai của trẻ. Và trong môi trường giáo dục đặc thù này, khi mức lương còn thấp, công việc lại khá vất vả thì hơn lúc nào hết những cô giáo mầm non cần nhiều hơn nữa sự quan tâm của toàn xã hội. Từ đó tạo niềm tin, động lực để họ thêm yêu và gắn bó với nghề giáo hơn./.

Lệ Xuân, Xuân Huy


Lượt xem: 198

Trả lời