Tăng cường truyền thông giảm tảo hôn và hôn nhân cận huyết ở Krông Pa

Cập nhật 10/1/2018, 16:01:55

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết đang là thực trạng đáng báo động ở huyện Krông Pa, nơi có khoảng 65% dân số là người DTTS. Công tác truyền thông, vận động nhằm giảm thiểu tình trạng này đã và đang được các ngành chức năng, các tổ chức hội đoàn thể trên địa bàn huyện tăng cường với nhiều giải pháp. Phóng sự sau ghi nhận những nỗ lực của các cấp hội LHPN tại đây.

Rơ Lan H’Da lấy chồng lúc mới 16 tuổi, nay vợ chồng H’Da đã có 1 con gái gần 3 tuổi, sinh sống trong căn nhà sàn hơn chục m2. Hơn ai hết, người mẹ trẻ này luôn cảm thấy hối tiếc về việc kết hôn sớm của mình. Năm nay, nhà có ít sào mì cũng bị bão lũ cuốn trôi sạch, không còn gì mưu sinh. Quá khứ và chính những nỗi lo cơm áo hàng ngày đang đè nặng trên đôi vai H’Da.

Em Rơ Lan H’Da, Buôn Manher B, xã Đất Bằng, huyện Krông Pa, Gia Lai nói: “Nhà em ngày trước đông anh em, nên không được đi học, không có xe để đi đến trường, em phải ở nhà lấy chồng. Thấy bạn bè được đi học em thấy buồn lắm. Giờ cuộc sống cũng vất vả, khổ quá”.

Những trường hợp như H’Da không phải hiếm gặp ở buôn Manher B. Xã Đất Bằng nhiều năm nay luôn là điểm nóng về tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết với 55 cặp tảo hôn từ năm 2016 đến nay. Tính chung toàn huyện Krông pa, từ năm 2010 đến 2015 có 957 cặp tảo hôn, và 325 cặp kết hôn cận huyết thống, 11 tháng đầu năm 2017  tỷ lệ tảo hôn là gần 45%. Thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong vùng đồng bào DTTS” của Chính phủ, Hội LHPN đã phối hợp với các ban ngành tăng cường một số giải pháp trong tuyên truyền, vận động, nhằm làm thay đổi nhận thức, hành vi của hội viên. Mô hình “Câu lạc bộ nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết ” được xây dựng thí điểm tại xã Đất Bằng đã và đang phát huy được hiệu quả vào thực tế.

Chị Rcom HPLoat, Chủ tịch Hội LHPN xã Đất Bằng, Huyện Krông Pa, Gia Lai cho biết: “Tuyên truyền với mô hình câu lạc bộ như thế này thì có nhiều cái hay hơn. Vì bây giờ mỗi lần sinh hoạt câu lạc bộ mình nói chuyện về nội dung này thôi. Hội viên có thể hiểu rõ hơn tác hại của tảo hôn và thế nào là cận huyết thống”.

Chị Cao Thị Viễn Phương, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Krông Pa, Gia Lai cũng cho biết: “Ở góc độ của Hội thì chúng tôi tập trung tuyên truyền đến hội viên, nhất là đối tượng có con đang tuổi vị thành niên. Những mô hình câu lạc bộ như thế này chúng tôi đang tính sẽ nhân rộng ra các xã, thị trấn để tăng cường hiệu quả tuyên truyền đến chị em”.

Những nỗ lực, quyết tâm từ mỗi tổ chức đoàn thể, đơn vị chức năng trong truyền thông đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết sẽ góp phần giúp Krông Pa đạt được mục tiêu đề ra theo như Đề án của Chính phủ. Tuy nhiên,bài toán cải thiện chất lượng dân số vẫn  sẽ còn nhiều khó khăn, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa từ phía chính quyền địa phương và cơ quan chức năng trong giai đoạn hiện nay./.

Minh Lý, Viễn Khánh


Lượt xem: 90

Trả lời