Series phóng sự: Chuyện về nhân viên quản lý, bảo vệ rừng

Cập nhật 28/5/2022, 15:05:05

Trong Kỳ 1 của Seri phóng sự: Chuyện về nhân viên quản lý, bảo vệ rừng, chúng ta đã được gặp gỡ, tìm hiểu về những nhân viên, quản lý bảo vệ rừng gắn bó cả cuộc đời với núi rừng. Và để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, giữ được màu xanh cho rừng, những nhân viên quản lý, bảo vệ rừng phải đối mặt với nhiều khó khăn, nguy hiểm. Sau đây là kỳ 2 của seri phóng sự với nhan đề: Đối diện nhiều khó khăn, nguy hiểm.

  Kỳ 2: Đối diện nhiều khó khăn, nguy hiểm

Dừng chân nghỉ ngơi bên bờ sông sau buổi tuần tra rừng, ông Phan Xuân Tịnh (nhân viên quản lý, bảo vệ rừng Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Grai) cùng các thành viên trong Tổ nhận khoán của làng Bi Te (xã Ia Krái, huyện Ia Grai) ăn vội bữa cơm trưa được chuẩn bị tạm bợ để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên diện tích hơn 1.500 ha được giao quản lý. Gần 30 năm gắn bó với nghề, ông Tịnh đã đối mặt với biết bao khó khăn, khổ cực và thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng khi làm nhiệm vụ bảo vệ rừng ở địa bàn biên giới Ia Grai.

Ông Phan Xuân Tịnh – Nhân viên quản lý, bảo vệ rừng, Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Grai, huyện Ia Grai Thời gian này thì có cầu dân sinh chứ hồi xưa là phải đi xuống, rồi bơi rất vất vả; vui có, buồn có. Rất là vất vả, nhất là vào mùa khô. Còn mùa mưa thì đi lại bằng xuồng, bằng bè; có mấy lần là hụt chết đuối”.

   

Ngoài những khó khăn, vất vả đó, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ quyết định đóng cửa rừng tự nhiên thì lực lượng làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng còn phải đối mặt với nhiều hiểm nguy khác khi mà các đối tượng xấu có những hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng.

    Những năm gần đây, lực lượng chức năng bị các đối tượng lâm tặc hành hung, uy hiếp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ngày càng nhiều. Mới đây nhất là vụ việc một nhân viên của Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Mơr (huyện Chư Prông) trong khi phát hiện, ngăn chặn đối tượng phá rừng làm nương rẫy đã bị hành hung và đe dọa đến tính mạng của cả gia đình.

Ông Lại Tấn Tài – Nhân viên quản lý, bảo vệ rừng, Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Mơr, huyện Chư Prông cho biết: “Ngày 10/4 là trúng ngày lễ thì bên tôi có phối hợp với tổ quản lý, bảo vệ rừng của xã đi tuần tra. Trong lúc đó thì phát hiện có 2 đối tượng phá cây rừng để lấn chiếm đất. Chúng tôi đã yêu cầu dựng lại. Trong lúc làm việc thì 2 vợ chồng ông Hòa có dùng gậy đánh vào đầu tôi. May nhờ có mũ cối; mũ bị bể còn đầu tôi thì bị xưng một cục to. Trong lúc đánh thì vợ chồng ông Hòa còn chưởi bới và đe dọa là sẽ diết cả dòng họ, gia đình tôi”.

   Khó khăn, vất vả và nguy hiểm là vậy, song chế độ của lực lượng quản lý, bảo vệ rừng, nhất là nhân viên của các ban quản lý, công ty lâm nghiệp lại chưa thật tương xứng. Theo thống kê, bình quân mỗi nhân viên quản lý, bảo vệ rừng được giao quản lý từ 1.000 đến 1.200 ha rừng, đất rừng. Để làm tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ diện tích được giao thì đòi hỏi phải thường xuyên, liên tục đi tuần tra, kiểm soát. Song cũng rất khó tránh khỏi việc bị xâm hại. Trong khi đó, ngoài tiền lương theo quy định, các nhân viên quản lý, bảo vệ rừng không có thêm bất cứ khoản phụ cấp nào. Điều này cũng đã ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý của những người đang làm nhiệm vụ quản  lý, bảo vệ rừng.

Ông Nguyễn Đức Thắng – Nhân viên quản lý, bảo vệ rừng, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Trạm Lập, huyện Kbang chia sẻ: “Tâm tư, nguyện vọng của rất nhiều anh em đang làm nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng ở địa bàn tỉnh Gia Lai nói riêng và cả nước nói chung là chế độ đãi ngộ đối rất là thấp. Lương của một nhân viên có trình độ đại học chỉ trên 4 triệu đồng/tháng;còn lao động phổ thông thì thấp hơn nữa. Trong khi giờ giấc làm việc gần như 24/24. Cho nên các công ty lâm nghiệp ở vùng này thường không tuyển được lao động. nên cũng mong các ngành, các cấp nên có cơ chế đặc thù đối với lực lượng quản lý, bảo vệ rừng”.

Ông Thái Ngọc Duy – Nhân viên quản lý, bảo vệ rừng, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng cũng nói: “Lực lượng bảo vệ rừng ở đây gặp nhiều khó khăn. Mỗi nhân viên được đơn vị giao quản lý 1 tiểu với diện tích rừng từ 1.000 đến 1.200 ha. Nói chung đi lại và bảo vệ rừng hết sức là khó khăn. Chính sách đãi ngộ và lương cho anh em bảo vệ rừng thì còn thấp. Nhiều cán bộ, nhân viên trong Khu bảo tồn không yên tâm và thậm chí là có những người xin nghỉ việc”.

     Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai, từ năm 2018 đến năm 2021 có 25 viên chức, chủ yếu là nhân viên quản lý, bảo vệ rừng xin nghỉ việc. Việc tuyển biên chế ở các đơn vị chủ rừng cũng gặp nhiều khó khăn vì với khối lượng công việc nhiều, trách nhiệm lớn nên có trường hợp khi trúng tuyến làm được một thời gian ngắn thì xin nghỉ.

Ông Hồ Sỹ Cường, Phó trưởng BQL rừng phòng hộ Ia Grai, huyện Ia Grai cho biết: “Đơn vị chúng tôi được giao hơn 21.000 ha rừng và đất rừng. Trong khi đó biên chế chỉ có 19 người và mất 7 người làm văn phòng, còn lại lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng là 12 người. Bình quân mỗi nhân viên được giao quản lý khoảng 1.500 ha rừng và đất rừng. Với những khó khăn đó thì hiện nay lực lượng bảo vệ rừng xin nghỉ việc là rất nhiều”.

Ông Đàm Văn Tích, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Trạm Lập, huyện Kbang nêu: “Để ngăn chặn tình trạng vi phạm xảy ra trên địa bàn thì chúng tôi cũng rất là trăn trở về mặt kinh phí cũng như con người. Vì không có kinh phí thì mình không thể tăng con người nên dẫn đến việc quản lý về mặt lao động cũng gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù khó khăn song chúng tôi cũng xác định nhiệm vụ được giao là phải làm song thực tế cũng xảy ra những vấn đề mà chúng tôi không chủ động được”.

Ông Nguyễn Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai cũng cho biết: “Lực lượng quản lý, bảo vệ rừng những người mà đang ngày đêm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng tận gốc thì hiện nay đang rất là thiếu; rồi thiếu về công cụ, thiết về cơ chế và thiếu về tính chất pháp lý. Trong khi đó áp lực lại cao, trách nhiệm lớn vì khi để xảy ra vụ việc gì thì họ phải chịu trách nhiệm đầu tiên. Cho nên là nhiều cán bộ, nhân viên quản lý bảo vệ rừng trong giai đoạn này không chịu được áp lực nên cũng xin nghỉ việc”.

     Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, nguy hiểm và luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao, song chế độ đãi ngộ đối với những nhân viên quản lý, bảo vệ rừng chuyên trách lại chưa tương xứng. Qua đây, chúng ta hãy cùng chia sẻ và cảm thông với công việc của những nhân viên quản lý, bảo vệ rừng để họ yên tâm bám núi, bám rừng./.

 Đức Hải-  R’Piên – Huy Toàn – R’Piên – Năng Hùng


Lượt xem: 276

Trả lời