Sẽ có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các hộ có diện tích tiêu chết

Cập nhật 11/3/2019, 12:03:27

Cây hồ tiêu, từ chỗ là cây trồng mang lại nguồn thu nhập chính của người dân ở nhiều địa phương trong tỉnh, thế nhưng mấy năm gần đây, các hộ trồng tiêu lại phải lao đao với cây trồng này. Nhằm giúp người dân tháo gỡ những khó khăn do tiêu chết, mới đây nhất tại Hội nghị triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế tín dụng đen do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì và được tổ chức tại Gia Lai, kiến nghị này tiếp tục được lãnh đạo tỉnh Gia Lai đề cập và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ có những giải pháp hỗ trợ.

Theo thống kê của ngành chức năng, tính đến thời điểm hiện nay trên địa bàn tỉnh Gia Lai có đến 4.000/18.000 hecta tiêu bị chết do sâu bệnh và ảnh hưởng nắng hạn năm 2016. Tiêu chết, không chỉ mất nguồn thu nhập, nhiều hộ phải ly hương tìm kế mưu sinh, bế tắc nhất là không có khả năng trả nợ ngân hàng, không ít người buộc phải tìm đến tín dụng đen để giải quyết khó khăn trong cuộc sống, vay tiền trả lãi ngân hàng khi đến hạn hoặc đáo hạn. Đây chính là cơ hội để tín dụng đen len lỏi vào cuộc sống của người dân và khiến tình hình càng trở nên tồi tệ hơn.

Tại Hội nghị triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế tín dụng đen, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đã đưa những phân tích xác đáng những khó khăn và hệ lụy kéo theo, từ đó đề nghị ngân hàng cần có những giải pháp để giúp người dân tháo gỡ khó khăn.

Đồng chí Dương Văn Trang nhấn mạnh: “Ở Gia Lai người tham gia tín dụng đen đa số là người nghèo, người gặp hoạn nạn. Cho nên giải quyết bài toán ngăn chặn hoặc hạn chế hoặc xóa tín dụng đen thì vấn đề là đủ tiền cho người dân được vay. Bây giờ triển khai giải pháp hạn chế tín dụng đen, vấn đề là làm sao đủ tiền là bài toán khó. Vừa rồi chúng tôi thống kê có 4.000/18.000 hecta tiêu bị chết. 4000 hecta tiêu này bà con vay của ngân hàng và bị chết thì mất trắng, không có đồng nào để thu. Bà con phải đi làm ăn xa, có tiền trả dần cho ngân hàng. bà con đề nghị xin giãn nợ, khoanh nợ, nhưng chưa được giải quyết kịp thời nên rất khó khăn. Đề nghị thống đốc nghiên cứu vấn đề này”.

 Liên quan đến vấn đề gia hạn nợ cho người dân khi gặp khó khăn trong quá trình sản xuất, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng căn cứ theo Nghị định 116 của Chính phủ để thực hiện.

Ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trao đổi: “Đối với các tổ chức tín dụng phải xem xét gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ khi người dân gặp khó khăn do các nguyên nhân chính đáng, chưa thể trả được nợ đúng hạn để giúp người dân tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng mà không phải đi vay nặng lãi để đáo hạn ngân hàng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tín dụng đen vì trả nợ ngân hàng nhưng không kịp hoặc do những nguyên nhân khách quan, vì vậy cần phải xem xét cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ. Điều này Nghị định 116 đã cho phép”.

Riêng về cây hồ tiêu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết sẽ có giải pháp tháo gỡ cho người dân: “Chúng tôi có nhận được kiến nghị của đoàn ĐBQH và Bí thư Tỉnh ủy, liên quan đến kiến nghị về cây hồ tiêu, chúng tôi có cuộc họp với các TCTD trên địa bàn để nghe cụ thể và có hướng tháo gỡ. Không chỉ cây tiêu mà các sản phẩm nông sản khác trên địa bàn khi gặp vấn đề trong quá trình sản xuất kinh doanh”.

 Căn cứ Nghị định 116 của Chính phủ và các giải pháp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện để tháo gỡ khó khăn cho cây hồ tiêu như khẳng định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ là cứu cánh để gỡ bỏ phần nào những bế tắc hiện nay cho các hộ dân có diện tích tiêu bị chết trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Hồng Uyên, Duy Linh


Lượt xem: 33

Trả lời