Rộc Tưng – Gò Đá – Niềm tự hào Di tích Quốc gia đặc biệt

Cập nhật 01/1/2023, 15:01:01

Ngày 29/12/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1649 Về việc xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đối với (đợt 13) đối với 05 di tích, trong đó có Di tích khảo cổ Rộc Tưng – Gò Đá tại thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai. Cùng với Di tích Tây Sơn Thượng đạo, Di tích Rộc Tưng-Gò Đá được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt là niềm vinh dự, mang đến niềm vui rất lớn đối tỉnh Gia Lai vào dịp cuối năm 2022. Trước đây, đa số các ý kiến đều cho rằng: Con người đầu tiên xuất hiện ở châu Phi, từ đó di chuyển sang châu Âu, rồi châu Á, đem theo Kỹ nghệ ghè 2 mặt, với những chiếc rìu tay. Nhưng khi các nhà khoa học phát hiện ra Kỹ nghệ An Khê, đặc biệt là phức hợp công cụ ghè hai mặt và rìu tay tại Rộc Tưng-Gò Đá với nhiều điều kỳ diệu, làm ngỡ ngàng đối với nhiều người, đặc biệt là giới khoa học trong nước và quốc tế đã bổ sung thung lũng An Khê, Gia Lai, Việt Nam vào bản đồ xuất hiện và tiến hóa của loài người trên thế giới…

2014 là năm đầu tiên phát hiện Di tích khảo cổ sơ kỳ Đá cũ, mang tên kỹ nghệ An Khê được phát hiện.  Ngay sau sự kiện này, cùng với những kết quả nghiên cứu ban đầu được công bố đã gây chấn động giới khảo cổ học trong và ngoài nước. Từ đây, những bí ẩn trong thẳm sâu lòng đất dần được hé mở qua các cuộc khai quật khảo cổ học có quy mô lớn hơn, chuyên sâu hơn ở Di tích khảo cổ Rộc Tưng – Gò Đá tại xã Xuân An, phường An Bình và tại các địa điểm di chỉ khảo cổ đá cũ ở thị xã An Khê…

Với nỗ lực của tỉnh Gia Lai trong việc phối hợp với các ngành hữu quan, nhà khoa học đi tìm nguồn gốc, định danh, bảo tồn, phát huy giá trị di sản, từ năm 2015 đến 2019, Viện Khảo cổ học-Viện Hàn lâm KH-XH Việt Nam hợp tác với Viện Khảo cổ-Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học Nga tại Novosibirsk tiến hành khảo sát và đã phát hiện gần 20 địa điểm đá cũ, khai quật 4 địa điểm ở thị xã An Khê, dọc thung lũng sông Ba. Qua khai quật đã phát hiện được hàng nghìn hiện vật công cụ đá của người nguyên thủy, có niên đại khoảng 80 vạn năm cách ngày nay, trong đó, có các công cụ rìu tay, ghè hai mặt thuộc dạng rất quý hiếm ở khu vực Đông Nam Á và Đông Á. Tại các hố khai quật, các nhà khoa học còn tìm thấy nhiều hiện vật đá, gồm các công cụ chặt kiểu chopper, nạo cắt, mảnh tước, mảnh cuội… hầu hết được làm từ đá quartz, quartzit… Triển khai Dự án hợp tác nghiên cứu, Gia Lai đã phối hợp với các đơn vị đầu ngành về nghiên cứu khảo cổ học đã tổ chức 2 hội thảo quốc tế thu hút đông đảo các chuyên gia đá cũ trong nước cũng như trên thế giới tham gia, như: Nga, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Philipines, Ba Lan… Đa số các chuyên gia trong nước và quốc tế đã ghi nhận và đi đến thông nhất về tính chất, niên đại, ý nghĩa, giá trị của hệ thống di tích Đá cũ An Khê…

Viện sỹ, GS.TS Anatoly Panteleevich Derevianko, Viện trưởng Viện Khảo cổ hoc và Dân tộc học Novosibirsk nhấn mạnh: “Tại Việt Nam là một trong những vùng đã tìm thấy di chỉ về những người Homo erectus, tức là Người vượn đứng thẳng, như vậy chúng ta sẽ có cơ sở để xác định rằng họ di cư từ châu Phi sang đây. Những phát hiện khảo cổ ở An Khê, Việt Nam là rất quan trọng trong vấn đề nghiên cứu về nguồn gốc và lịch sử loài người.”

PGS.TS. Nguyễn Khắc Sử, Viện Khảo cổ học Việt Nam nói: “Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, chúng ta đánh giá những gì đã làm, đồng thời đưa ra được dự án mới cho tương lai để làm rõ hơn nữa giai đoạn về lịch sử tối cổ ở Việt Nam, giai đoạn xuất hiện của những người đứng thẳng và cũng đóng góp vị trí quan trọng trong bản đồ khảo cổ học thế giới, góp phần nghiên cứu sự tiến triển của lịch sử nhân loại. Và rõ ràng, An Khê cho đến hôm nay theo tôi nó không còn là di tích của An Khê, của Gia Lai của Việt Nam mà đã mang tầm của thế giới rồi.”

PGS.TS Nguyễn Giang Hải – Nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam cho biết: “Chúng ta đã đi tìm di chỉ đồ đá cũ trong cả cuộc đời và bây giờ ta đã tìm được nó ở trên mảnh đất Tây Nguyên và tôi cho rằng đây không chỉ là niềm tự hào của người Việt Nam, của các nhà khảo cổ Việt Nam mà là niềm tự hào của giới khảo cổ Đông Nam Á. Những công cụ đồ đá cũ ở An Khê đẹp tới mức thậm chí có nhà khảo cổ học đề nghị đưa vào sách giáo khoa thế giới. Thứ 2 có thể làm thay đổi nhận thức của giới nghiên cứu sử học thế giới, về sự tồn tại và con đường phát triển của lịch sử loài người.”

Năm 2018, UBND tỉnh Gia Lai công nhận Di tích khảo cổ Rộc Tưng – Gò Đá là Di tích cấp tỉnh, đến năm 2020, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận xếp hạng Di tích cấp quốc gia. Ngày 29.12.2022, Thủ tưởng Chính phủ có quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đối với Di tích khảo cổ Rộc Tưng – Gò Đá. Hiện nay, Hệ thống di tích sơ kỳ Đá cũ An Khê cũng đã được Hội đồng biên soạn Bộ lịch sử quốc gia đưa vào chính sử với giá trị là nơi xuất hiện người nguyên thủy sớm nhất ở Việt Nam. Bộ rìu đá An Khê cũng đã trình các cấp có thẩm quyền đề nghị công nhận là Bảo vật quốc gia… Mục tiêu hướng tới là xây dựng hồ sơ, nâng tầm giá trị, tầm vóc lịch sử Di tích khảo cổ Rộc Tưng – Gò Đá là Di sản thế giới.

Có thể khẳng định: Giá trị của hệ thống di tích sơ kỳ Đá cũ An Khê mang tầm quốc gia và quốc tế. Tuy nhiên, cho đến nay số lượng di tích được khai quật mới chỉ có 4/20 di tích. Các sưu tập di vật đá đã phát hiện gồm hàng vạn hiện vật mới chỉ được phân loại, nghiên cứu sơ bộ, chưa được phân tích chuyên sâu… Do đó, việc xây dựng một Đề án nghiên cứu sâu rộng, đồng bộ, hệ thống hơn đối với hệ thống di tích Đá cũ An Khê là vô cùng cấp thiết. Trong liên kết phát triển du lịch, dù là bài toán khó, tỉnh sẽ cố gắng tìm lời giải, trên cơ sở có chọn lọc và có hướng đi phù hợp. Chú trọng chuyển đổi số, đưa các ứng dụng công nghệ để thổi hồn vào những câu chuyện, những công cụ trực quan sinh động, bằng ứng dựng 3D ảo để khi du khách đến tham quan có thể cảm nhận về thời tổ tiên loài người, qua đó, kích thích hơn, gây tò mò, tạo hiệu ứng trong tham quan, nghiên cứu… Đồng thời, liên kết Di tích khảo cổ Rộc Tưng – Gò Đá với các điểm đến khác, như: Quần thể Di tích quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng đạo, Cao nguyên Kon Hà Nừng, cùng các điểm đến di tích lịch sử, thắng cảnh  ở huyện Kbang và các khu nghỉ dưỡng tại Bình Định để tạo thành tour du lịch đa dạng và hấp dẫn du khách…

Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai trao đổi:Khi nhận được Bằng công nhận của Thủ tướng Chính phủ công nhận Di tích quốc gia đặc biệt đối với Rộc Tưng – Gò Đá đó là niềm vinh dự, tự hào lớn của tỉnh Gia Lai chúng ta. Đối với Đá cũ An Khê có giá trị rất đặc biệt đối với Việt Nam. Qua nghiên cứu, đã khẳng định An Khê, Gia Lai, Việt Nam là 1 trong 10 điểm phát hiện lịch sử loài người. Chính giá trị này làm nên giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời của người Việt Nam. Qua các kênh thông tin truyền thông, tôi cũng mong muốn lan tỏa tới người dân cùng chia vui với tỉnh, và cùng chung tay với tỉnh phát huy giá trị văn hóa này. Đây là tài sản văn hóa rất lớn của tỉnh Gia Lai, nhận thức được điều đó, tỉnh cũng xác định tiếp tục khoanh vùng, bảo vệ, giữ gìn, cũng như có những nghiên cứu tiếp theo sâu hơn ở các lĩnh vực lịch sử, địa chất, văn hóa để trả lời về chủ nhân của Đá cũ hiện nay là ai và như thế nào. Đồng thời sẽ góp phần phong phú cho du lịch Gia Lai, đó là du lịch cảnh quan, lịch sử, du lịch văn hóa, có thêm sự đa dạng hơn cho du lịch tỉnh chúng ta.”

Rộc Tưng – Gò Đá – 80 vạn năm khởi đầu câu chuyện Việt-Nơi chứng kiến bước chuyển mình vĩ đại của lịch sử nhân loại-Nơi để trở về trong hành trình đi tìm nguồn cội tổ tiên.

Song Nguyễn – Kim Ngân – Ksor Tuối – Huy Toàn


Lượt xem: 16

Trả lời