Quốc hội thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội; dự toán ngân sách nhà nước

Cập nhật 22/10/2022, 11:10:17

Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng nay (22/10), Quốc hội thảo luận tổ về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội; dự toán ngân sách nhà nước; nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai tham gia thảo luận tại tổ 3 cùng  Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Hà Giang, Bắc Kạn, Ninh Thuận.

Thảo luận tại các tổ, các đại biểu Quốc hội đã đưa ra những ý kiến đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022. Đồng thời, đóng góp các ý kiến vào dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế –  xã hội năm 2023; dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023. Cùng với đó, các đại biểu cũng thảo luận về nội dung tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

          Đa số ý kiến các đại biểu đều thống nhất với báo cáo của Bộ Tài Chính về tình hình thu chi ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị lưu ý một số vấn đề trong xây dựng dự toán; đánh giá kỹ vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, cơ cấu tăng thu ngân sách vẫn chưa vững chắc, tỷ trọng tăng thu từ đất còn lớn; thu ngân sách địa phương không đồng đều giữa các địa phương, nhiều địa phương ước không đạt dự toán; tồn tại bất cập trong phân cấp nguồn thu giữa trung ương và địa phương. Các địa biểu cho rằng, năm 2023 dự kiến thế giới tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều các yếu tố rủi ro, bất định, khó khăn, thách thức ngày càng gia tăng. Trong nước, nền kinh tế tiếp tục phục hồi, tuy nhiên, áp lực lạm phát, tăng chi phí sản xuất, rủi ro về chuỗi cung ứng; nhu cầu các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống suy yếu; khả năng cạnh tranh, bảo vệ và giữ ổn định thị trường trong nước; điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế, đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của nước ta; diễn biến bất thường thiên tai, dịch bệnh, bão lũ, an ninh nguồn nước… là những thách thức, áp lực rất lớn đối với việc thực hiện các chỉ tiêu thu, chi NSNN.

          Cùng với đó, đại biểu cũng cho ý kiến về việc tăng lương cơ sở. Theo đó, đa số ý kiến nhất trí với mức tăng lương cơ sở (1,8 triệu đồng/tháng) và tăng chi trả cho một số đối tượng như phương án Chính phủ trình.

        BT: Ngọc Hà ,Trần Thi


Lượt xem: 3

Trả lời