QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ KIẾN CHƯƠNG TRÌNH GIÁM SÁT NĂM 2024

Cập nhật 27/5/2023, 13:05:13

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, sáng 27/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung Phiên họp.

Đánh giá kết quả hoạt động giám sát, các đại biểu đều đồng tình với báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho rằng báo cáo đã đánh giá khá đầy đủ kết quả, phân tích ưu điểm hạn chế. Nhiều đại biểu  cho rằng, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, công tác giám sát được Quốc hội, UBTVQH có nhiều đổi mới, ban hành Nghị quyết về giám sát văn bản quy phạm pháp luật cho các cơ quan của Quốc hội, làm cơ sở để các cơ quan của Quốc hội và HĐND các cấp tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát. Điểm mới của nhiệm kỳ này là quán triệt, triển khai thực hiện Chương trình giám sát hàng năm, Quốc hội và UBTVQH đã triển khai sớm các Chương trình giám sát năm trực tuyến và kết nối với tất cả các địa phương do Chủ tịch Quốc hội trực tiếp chủ trì. Về Chương trình giám sát năm 2024, nhiều đại biểu bày tỏ đồng tình với nội dung giám sát tại Kỳ họp thứ 7, thứ 8 trong dự thảo Nghị quyết. Tuy nhiên, đề xuất với Quốc hội đưa nội dung vào Chương trình giám sát theo Luật Giám sát tại Kỳ họp thứ 7 và thứ 8, nội dung giám sát việc thực hiện nghị quyết về hoạt động chất vấn và các vấn đề đã hứa tại Kỳ họp thứ 4 và thứ 5.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng đã thống nhất với chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội về Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan. Nhiều đại biểu phân tích, việc thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội được ban hành, triển khai thực hiện là một dấu ấn đột phá, chưa có tiền lệ, góp phần rất quan trọng để phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng, đưa Việt Nam trở thành điểm sáng của khu vực và thế giới về phục hồi nhanh và phát triển kinh tế- xã hội sau đại dịch Covid- 19. Trong phiên họp chiều 27/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về: dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam./.

BT: Lệ Xuân


Lượt xem: 1

Trả lời