Quản lý, sử dụng nhà vắng chủ đã được xác lập sở hữu toàn dân trên địa bàn tỉnh vẫn còn bất cập

Cập nhật 22/9/2017, 15:09:52

Nhiều nhà vắng chủ được xây dựng trước năm 1975 dù đã được thu hồi nhưng sau đó vẫn bị chiếm để ở và chưa được giải quyết dứt điểm; giá thuê nhà vẫn còn áp dụng theo quy định cũ không còn phù hợp với cơ chế thị trường; nhiều căn nhà được cho thuê với giá nhà nước nhưng người thuê không sử dụng đúng mục đích mà cho thuê lại với giá cao để kiếm lời… Đó là thực tế về những tồn tại trong quản lý, sử dụng nhà vắng chủ đã được xác lập sở hữu toàn dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện nay qua đợt giám sát của đoàn giám sát của Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh Gia Lai trong tuần qua. Ghi nhận của PV Thời sự trên địa bàn TP.Pleiku, địa phương hiện đang quản lý 75 trong tổng số 97 căn nhà vắng chủ đã được xác lập sở hữu toàn dân trong toàn tỉnh.

Nằm ngay vị trí đắc địa của thành phố, giao nhau giữa đường Nguyễn Viết Xuân và đường Hùng Vương, căn nhà với diện tích 106,88m2 và diện tích đất 60m2 ở địa chỉ 382 Hùng Vương, TP.Pleiku này đã được vợ chồng bà Diệp Mỹ Nam thuê lại của tỉnh từ năm 1985 và chính thức ký hợp đồng thuê nhà theo Quyết định số 596/QĐ-UBND ngày 30/10/2007 của tỉnh dưới tên người sử dụng là chồng bà, ông Lâm Như Trường với giá thuê hiện tại là 220.000/tháng, phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt và mưu sinh của gia đình.

Bà Diệp Mỹ Nam – 382 Hùng Vương, TP.Pleiku, Gia Lai cho biết: “Hiện trạng bây giờ thì nhà xuống cấp dữ lắm, bữa vừa rồi trời mưa nó sập nguyên mảng này luôn. Tại vì nước ngập vô đây nè, không có chỗ thoát thì nó phải thoát vô đây”.

Cũng như căn nhà số 382 Hùng Vương của gia đình bà Diệp Mỹ Nam thuê, căn nhà số 408 Hùng Vương cũng đã được xử lý sở hữu tài sản theo Quyết định số 574 ngày 30/10/2007 của UBND tỉnh Gia Lai dưới tên người sử dụng là bà Nguyễn Thị Hải Lý. Trên thực tế, gia đình cũng đã nhiều lần có đơn gửi lên cấp trên và ngành chức năng xin mua lại nhưng vì nhiều lý do vẫn chưa được, và hiện phần mặt tiền của căn nhà đã được gia đình cho thuê lại.

Ông Nguyễn Thế Tươi (chồng bà Lý) – 408 Hùng Vương, TP.Pleiku, Gia Lai  nói: “Hồi đầu thì hóa giá nhưng chủ cũ tranh chấp nên không mua được, sau này hết tranh chấp thì hóa giá lại cao quá nên cũng không mua được”.

Theo số liệu thống kê của Sở Xây dựng Gia Lai, tổng số nhà đất vắng chủ đã được xác lập sở hữu toàn dân trên địa bàn tỉnh hiện là 97 căn với tổng diện tích nhà ở là hơn 9.346m2 và tổng diện tích đất là hơn 16.897m2; trong đó 29 căn đã bán cho người đang thuê; 39 căn do Sở Xây dựng đang quản lý; 12 căn do các tổ chức, cơ quan quản lý, sử dụng… Thực tế cho thấy, hầu hết các căn nhà vắng chủ đang được cho thuê phần lớn đều trong tình trạng cũ kỹ nhưng lại nằm ở những vị trí được xem là “đất vàng”, còn giá thuê thì có thể nói là quá rẻ, trung bình từ 100.000 đến hơn 200.000 đồng/tháng, cá biệt có nhà chỉ vài chục ngàn đồng/tháng. Giá thuê thấp so với giá thị trường, và chính vì điều này mà nhiều người đã trục lợi chính sách để làm lợi cho bản thân khi chây ì không chịu đóng tiền nhà, không ký hợp đồng thuê nhà; rồi không chịu trả nhà dù hiện tại đã có nhà ở để chờ bán thanh lý, mua lại với giá rẻ rồi bán lại kiếm lời.

Việc xác lập sở hữu toàn dân đối với nhà ở vắng chủ chính là để góp phần thực hiện tốt các quy định của nhà nước đối với công tác quản lý và cho thuê nhà, bán nhà thuộc sở hữu nhà nước theo đúng quy định. Tuy nhiên trước thực tế về những bất cập cũng như còn bỏ ngỏ đối với công tác quản lý, sử dụng nhà vắng chủ đã được xác lập sở hữu toàn dân trên địa bàn tỉnh hiện nay thì điều cần thiết lúc này đó là cần có sự đánh giá lại việc sử dụng tài sản cho thuê như thế nào; đồng thời cần có sự phân cấp trong quản lý đối với các nhà vắng chủ này; đảm bảo việc quản lý, sử dụng tránh thất thoát, lãng phí./.

Mỹ Tiến, Minh Trí

 


Lượt xem: 137

Trả lời