Quả ngọt trên đất sỏi đá

Cập nhật 11/11/2021, 15:11:28

Từng sở hữu gần 2000 trụ tiêu, vợ chồng ông Phạm Văn Dụng ở thôn Xuân Me, xã Ia Me từng là một trong những hộ dân có thu nhập khá ở mảnh đất Chư Prông. Thế nhưng, phút chốc trở nên tay trắng khi hàng ngàn trụ tiêu của gia đình ông nhiễm bệnh rồi chết hàng loạt, nợ nần chồng chất tưởng chừng như không có lối thoát. Không nản lòng nhụt chí, vợ chồng ông Dụng đã tự tìm hướng đi mới với mô hình trồng táo mang lại thu nhập cao, bù đắp những thiệt hại do tiêu chết hàng loạt.

 

 Vườn táo với trên 7 trăm cây của vợ chồng ông Phạm Văn Dụng nằm ở đồi sỏi đá thuộc thôn Xuân Me, xã Ia Le, huyện Chư Prông. Không ai nghĩ trên mảnh đất tiêu đã chết, người nông dân này lại có thể mở ra cho mình một hướng đi mới.

Ông Phạm Văng Dụng, Thôn Xuân Me, xã Ia Me, huyện Chư Prông cho biết: “Trồng táo rất phù hợp với thủ thổ nhưỡng của đất Tây Nguyên này, chăm cũng ít phân lắm, một năm chỉ bỏ 2 lần phân thôi, làm có hiệu quả. Tôi chia sẻ với bà con, nếu bà con muốn trồng tôi sẽ cung cấp giống và những kỹ thuật để cho bà con chăm sóc có hiệu quả”.

Vì là loại cây trồng mới nên lúc đầu vợ chồng ông Phạm Văn Dụng chỉ dám đầu tư trồng khoảng 200 cây táo, sau 1 năm cho thu hoạch gia đình có thêm vốn và tiếp tục mở rộng thêm 500 gốc. Với giá bán sỉ tại vườn từ 20 ngàn đồng đến 22 ngàn đồng/kg, mỗi ngày vườn táo này cho thu hoạch từ 1,5 tạ đến 2 tạ. So với nhiều loại cây trồng khác, rõ ràng loại cây trồng này phù hợp với thổ nhưỡng ở đây.

Ông Nguyễn Văn Độ, Chủ tịch UBND xã Ia Me, huyện Chư Prông nói: “So với việc chuyển đổi cây trồng khác thì hiện nay mô hình táo này có thu nhập ổn định, có thể là cây xóa đói, giảm nghèo và phát triển hơn trồng tiêu vì tiêu độ rủi ro cao/ xã cũng đã cho các hội đoàn thể đăng lên các trang mạng, facebook và zalo của xã để quảng cáo sản phẩm cho gia đình. Chúng tôi cũng đã có buổi nói chuyện với gia đình về chiến lược tiêu thụ sản phẩm là nên liên kết những đầu mối tiêu thụ lớn để phát triển nhân rộng mô hình này sang cho các hộ nông dân khác”.

Cây táo một năm cho thu hoạch 1 lần, một lần thu hoạch có thể kéo dài từ 2 đến 3 tháng tùy thuộc vào kỹ thuật chăm sóc. Theo ông Phạm Văn Dụng, vườn táo này sẽ cho thu hoạch lai rai đến qua tết Nguyên đán năm nay. Kinh nghiệm qua 3 năm trồng táo trên vùng đất sỏi đá của người nông dân này cho thấy cây táo chịu hạn rất tốt, không tốn nhiều công chăm sóc, đỡ chi phí và mang lại thu nhập ổn định. Qua mô hình trồng táo này có thể thấy, nếu người nông dân chịu khó tìm tòi, chọn cho mình một hướng đi mới thì chắc chắn đất sẽ không phụ công người./.

Lệ Xuân, R’Piên


Lượt xem: 18

Trả lời