Pờ Tó xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp

Cập nhật 13/1/2024, 12:01:52

Để nâng cao giá trị nông sản, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, thời gian qua, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa luôn quan tâm đến việc phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương.

Với những lợi thế đặc trưng về khí hậu và đất đai, xã Pờ Tó đã ổn định diện tích canh tác các loại cây trồng với 830ha lúa, khoảng 2.300ha mía, 2.900ha mì, 218ha cây ăn trái và các loại cây trồng khác.

Là một xã thuần nông, với nhiều sản phẩm nông nghiệp đa dạng, thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), xã Pờ Tó đã vận động nông dân chú trọng đến sản xuất sản phẩm sạch, an toàn và  hướng đến xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất bà con nông dân trên địa bàn xã đã cho ra nhiều sản phẩm nông nghiệp với chất lượng cao. Đến nay, xã đã có 2 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP như Bưởi da xanh, Gạo TBR97 và nhiều sản phẩm đang đăng ký trong thời gian tới.

Ông Đặng Xuân Cường – Chủ tịch UBND xã Pờ Tó, huyện Ia Pa cho biết: “Trong thời gian vừa qua trên địa bàn xã Pờ Tó thì cũng tuyên truyền cho bà con kết hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn cũng như ở bên ngoài đưa những sản phẩm sạch. Đặc biệt, trong thời gian vừa qua xã cũng có 02 sản phẩm OCOP đã được công nhận là 3 sao và 4 sao đó là cây ăn trái bưởi da xanh và gạo. Trong thời gian sắp tới cũng sẽ đăng ký nhiều sản phẩm OCOP như Yến và các loại cây ăn trái khác, cùng với các sản phẩm nông nghiệp khác cũng hướng cho bà con sử dụng các loại phân vi sinh, để đảm bảo có những mặt hàng nông nghiệp sạch trên thị trường”.

Chị Nguyễn Thị Lộc Phượng – Thôn 5, xã Pờ Tó trồng 3ha cây ăn trái. Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, hướng đến xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm trái cây của gia đình, trong quá trình chăm sóc chị luôn chú ý đến vấn đề an toàn thực phẩm.

Chị Nguyễn Thị Lộc Phượng – Thôn 5, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa nói; “Mình trồng được 3ha, nhiều loại trái cây như: chanh, ổi, na, me thái, nhãn, cam, quýt…nói chung mỗi thứ một ít. Trong quá trình mình làm thì mình mua phân đậu nành về mình tự ủ mình làm, rồi mua đạm cá về tưới”.

Nguyễn Văn Thích cũng trồng được 5ha cây ăn trái, chủ yếu là xoài cát Hòa Lộc. Nhờ chú trọng sản xuất theo hướng hữu cơ, chỉ sử dụng phân chuồng và các chế phẩm sinh học nên trái cây của gia đình anh được khách hàng tin dùng và bán với giá cao. Trung bình 1 năm, sau khi trừ chi phí đầu tư, lợi nhuận mà gia đình anh thu được từ 500-700 triệu đồng.

Anh Nguyễn Văn Thích – Thôn 5, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa chia sẻ: “Hiện tại thì mô hình đã cho thu hoạch đến nay là 2 năm rồi, mình sử dụng phân sinh học hữu cơ. Để đảm bảo an toàn cho dân mình sử dụng thì mình không dùng thuốc hóa học. Sản phẩm làm ra thì mình bán đi Sài Gòn hoặc bán cho thương lái tại chỗ. Riêng Xoài cát Hòa Lộc giá hiện tại là 80.000 đồng/kg, mình cũng chuẩn bị xuất từ đây tới tháng 4 thu hoạch khoảng 15-20 tấn”.

Thời gian tới, xã Pờ Tó sẽ tiếp tục tuyên truyền thay đổi nhận thức của cá nhân, hợp tác xã về việc xây dựng thương hiệu đối với sản phẩm nông nghiệp. Khuyến khích người dân sản xuất nông sản sạch, nông sản hữu cơ, liên kết chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa. Tiếp tục thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, sản xuất hàng hóa năng suất, chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Từ đó sẽ tạo bước đi vững chắc cho sản phẩm nông nghiệp của địa phương.

Như Loan – Siu Tơ Ni


Lượt xem: 8

Trả lời