Phụ nữ xã Chư Á với tình yêu cồng chiêng và nhạc cụ truyền thống

Cập nhật 19/3/2024, 16:03:47

Khi nói đến đánh cồng chiêng mọi người thường nghĩ ngay đến nam giới thì vài năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Gia Lai, xuất hiện ngày càng nhiều những đội cồng chiêng nữ. CLB “Nữ cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống làng Chuêt Ngol”, xã Chư Á là 1 trong số đó. Đây là CLB nữ cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống đầu tiên trên địa bàn xã Chư Á nói riêng và TP. Pleiku nói chung. Tình yêu với cồng chiêng và nhạc cụ truyền thống của chị em không chỉ thể hiện vai trò, trách nhiệm của phụ nữ trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mà còn đem đến sức sống mới lạ cho cồng chiêng Tây Nguyên.

Nằm ở ven đô, xã Chư Á là địa phương có nhiều làng nhất trên địa bàn TP. Pleiku. Nơi đây còn lưu giữ những nét văn hóa hết sức độc đáo của đồng bào Jrai. Đặc biệt, nhiều năm nay, phụ nữ làng Chuêt Ngol được nhiều người biết đến với các năng khiếu về múa xoan, đánh nhạc cụ truyền thống và dân vũ… Do vậy, khi xã thành lập CLB “Nữ cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống”, nhiều chị em ở làng Chuêt Ngol hăng hái tham gia. Đến nay, CLB thu hút 35 chị em tham gia, trong đó có những thiếu niên nữ. Không chỉ là nơi sinh hoạt, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, tham gia CLB, nhiều chị em hy vọng trong tương lai không xa có thể đánh và biểu diễn cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống một cách chuyên nghiệp như các ông, các anh, các em trai trong làng.

Chị H’Soan – CLB “Nữ cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống làng Chuêt Ngol”, xã Chư Á, TP. Pleiku chai sẻ: “Phụ nữ làng Chuêt Ngol rất vui và phấn khích khi đánh cồng chiêng. Từ lâu cũng thích đánh nhưng chưa ra mắt giờ ra mắt đêm hội cồng chiêng nữ thì rất vui, rất thích Phụ nữ mình cố gắng học để đánh cồng chiêng như nam giới, học đánh vài bài cồng chiêng, biểu diễn nhạc cụ, đàn T’rưng.”

Chị H’Thi – Chủ nhiệm CLB “Nữ cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống làng Chuêt Ngol”, xã Chư Á, TP. Pleiku nói: “Nói về việc giữ gìn văn hóa thì chúng em đang thật sự cố gắng, vì muốn tập cồng chiêng thì phải đoàn kết, hăng say, nếu mà không đoàn kết thì không làm được. Sau vài ba tháng cố gắng thì tụi em đã thành lập được đội cồng chiêng nữ và sắp tới sẽ cố gắng học tập cồng chiêng để biết thêm nhiều hơn về cồng chiêng.”

Không chỉ phát huy vai trò của các chị em trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, việc thành lập CLB “Nữ cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống làng Chuêt Ngol” còn góp phần thúc đẩy các hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn trên địa bàn xã Chư Á nói riêng và TP. Pleiku nói chung ngày càng phát triển. Qua đó tạo thêm những hoạt động trải nghiệm thú vị, độc đáo cho du khách khi đến với phố núi Pleiku.

Bà Nguyễn Thị Hồng Vân – Chủ tịch Hội LHPN TP. Pleiku cho biết: “Đây là CLB nữ đầu tiên của Hội và cũng là mô hình mới, qua đó giúp chị em nâng cao giá trị văn hóa tinh thần của đồng bào DTTS hơn. Thời gian tới, Hội LHPN thành phố sẽ hướng dẫn các cấp Hội trực thuộc, nắm bắt những mô hình sẵn có như múa xoan, hát cho nhau nghe dân ca Jrai, Banah…, giúp chị em phát triển du lịch cộng đồng và thực hiện hiệu quả Nghị quyết Nghị quyết 06 của Thành ủy về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của thành phố.”

Để dần tạo nên những dấu ấn của CLB, sau những giờ lên nương, lên rẫy, chị em làng Chuêt Ngol lại hăng say học đánh cồng, đánh chiêng, biểu diễn nhạc cụ truyền thống… Có thể nói, sự hiện diện của những nữ nghệ sĩ buôn làng này đã và đang góp phần tạo nên những nét mới, hấp dẫn cho Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, để di sản văn hóa của dân tộc mãi trường tồn và tỏa sáng trong nhịp sống hiện đại.

Thiên Thanh – Phi Long


Lượt xem: 9

Trả lời