Phụ nữ chung tay sản xuất, chế biến nông sản an toàn

Cập nhật 14/9/2020, 08:09:38

Sản xuất, chế biến nông sản an toàn là một trong những định hướng phát triển kinh tế của nhiều hội viên phụ nữ đồng thời cũng là chủ trương mà các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh Gia Lai chú trọng thực hiện trong thời gian qua. Sự gặp gỡ về mục tiêu đã khơi nguồn cho nhiều  ý tưởng thành lập các mô hình hay và hiệu quả. Câu lạc bộ “Rau an toàn” liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap của chi hội phụ nữ thôn An Thuận, xã Cư An, huyện Đăk Pơ là 1 trong số đó.

Ngôi nhà của chị Đặng Thị Cúc Hoa – Chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn An Thuận, xã Cư An, huyện Đăk Pơ cứ vào ngày 26 hàng tháng lại trở nên rộn ràng hẳn. Các thành viên của CLB “Rau an toàn” liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn Viet Gap tập trung về đây để dự họp. Không hề có phụ cấp chức vụ nhưng vai trò chủ nhiệm CLB này đối với chị Cúc Hoa là một niềm vui lớn – niềm vui khi thực hiện được mong muốn thay đổi thói quen canh tác của chị em để mang lại thương hiệu cho cây rau của Cư An.

Chị Hoa chia sẻ: “Trước tiên thì mình làm chủ nhiệm CLB đây thì mình vì hội viên của mình. Không có đồng nào nhưng mình vận động được chị em của mình vào CLB thì được cái tâm huyết của mình mình rất phấn khởi. Theo phương hướng sắp tới mình sẽ hết sức hết lòng tuyên truyền cho chị em vào CLB đây nhiều hơn nữa”.

Tâm huyết và nhiệt tình của nữ chủ nhiệm là một phần, lý do quan trọng để ngày càng nhiều hội viên phụ nữ trong chi hội thôn An Thuận tham gia vào mô hình này đó là bởi vì những lợi ích thuyết phục về cả kinh tế và môi trường.

Chị Lê Thị Thu Thảo, Thành viên CLB Rau an toàn xã Cư An, huyện Đak Pơ, Gia Lai cũng nói:Ngày xưa giá cả thị trường không ổn định, lúc rẻ quá thì phải đổ bỏ hết. Giờ thì không phải vậy. Cũng mong muốn có CT đây tham gia để mình học hỏi các KT về phân thuốc theo quy trình chăm sóc cây rau”.

Vượt qua tâm lý e ngại bước đầu khi thay đổi gần như hoàn toàn thói quen canh tác, nhờ các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ và đào tạo nghề ngắn ngày do Hội phụ nữ tổ chức, các chị em trong CLB dần được tiếp cận và làm quen với quy trình kỹ thuật của tiêu chuẩn VietGap. Đến thời điểm này, từ việc làm đất, chọn giống và đặc biệt là sử dụng các loại phân, thuốc hỗ trợ sản xuất đã được các hội viên tuân thủ nghiêm ngặt. Đặc biệt, việc phân bổ danh mục các loại rau theo nhu cầu thị trường để chị em trồng xoay vòng là giải pháp giúp các thành viên khắc phục tình trạng dôi dư sản phẩm, vừa tránh thiệt hại về kinh tế, lãng phí lại vừa hạn chế ô nhiễm môi trường.

Hiện tại sản phẩm làm ra đến đâu được các đại lý và hợp tác xã trên địa bàn thu mua hết đến đó với mức giá có lợi nhuận. Sản phẩm còn được các thị trường lân cận như Quy Nhơn, Đà Nẵng ưa chuộng nên đầu ra không còn là vấn đề khó khăn.

Chị Phạm Thị Thúy, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đak Pơ, Gia Lai cho biết: “Điều quan trọng là từ mô hình này, mặc dù không được hỗ trợ gì nhiều về kinh phí nhưng các chị rất nhiệt tình tham gia và thấy rõ lợi ích của việc tham gia mô hình. Các chị có kết nối với đại lý mua rau và hạn chế tình trạng rau bỏ bờ, cũng như nâng cao ý thức cho người dân về việc sử dụng rau an toàn.

Hiện tại trên địa bàn huyện hầu hết 8 xã thị trấn đều có mô hình riêng vùng Tân An và Cư An là 2 xã là vựa rau có mô hình rau an toàn này, một số đơn vị thì có tổ liên kết chăn nuôi. Không có mô hình rau thì chúng tôi cũng có kết nối cho các hộ gia đình hội viên trồng rau kết nối với các HTX cũng như đại lý để tiêu thụ sản phẩm rau cho hội viên”.

Với những người phụ nữ gắn bó với ruộng vườn có lẽ không có niềm vui nào hơn khi thành quả mình làm ra được mọi người đón nhận. Những nông sản sạch của vùng đất Cư An sẽ đến tay ngày càng nhiều người tiêu dùng ở khắp  mọi nơi, góp phần mang lại những bữa cơm an toàn và đầy đủ chất dinh dưỡng. Thành quả mang lại còn là nguồn thu nhập ổn định để phát triển kinh tế gia đình, góp phần vào sự tăng trưởng của địa phương. Những câu lạc bộ như thế này còn cho thấy hiệu quả thiết thực từ các phong trào, hoạt động của tổ chức hội phụ nữ các cấp luôn đồng hành cùng với sự phát triển của quê hương, đất nước./.

Hòa Giang, Viễn Khánh


Lượt xem: 41

Trả lời