Phỏng vấn Trung tá Nguyễn Đình Mai – Đội trưởng Đội  Hướng dẫn, Điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh về phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng công nghệ cao

Cập nhật 14/5/2022, 16:05:07

Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng sử dụng công nghệ cao ngày càng diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, thành nói chung và Gia Lai nói riêng với phương thức, thủ đoạn rất tinh vi của các đối tượng, gây thiệt hại lớn tài sản của người dân. Điều đáng nói là từ đầu năm đến nay, chỉ vì nhẹ dạ, cả tin, thậm chí là hám lợi trước chiêu trò đầu tư dễ có lợi nhuận lớn, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh đã sập bẫy các đối tượng lừa đảo với tổng số tiền thiệt hại hàng chục tỉ đồng. Xung quanh phương thức, thủ đoạn mới của các đối tượng lừa đảo sử dụng công nghệ cao, PV Đài PT-TH Gia Lai đã có cuộc phỏng vấn Trung tá Nguyễn Đình Mai – Đội trưởng Đội  Hướng dẫn, Điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh.

 PV: Thưa ông, trong thời gian gần đây nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã trở thành nạn nhân của đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng công nghệ cao. Vậy ông có thể cho biết phương thức, thủ đoạn của các đối tượng như thế nào để người dân tin tưởng và làm theo điều các đối tượng đưa ra, dẫn đến tình trạng mất tài sản?

Trung tá Nguyễn Đình Mai – Đội trưởng Đội  Hướng dẫn, Điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh: “Từ đầu năm 2022 đến nay, Phòng CSHS Công an tỉnh đã tiếp nhận đơn của 12 người bị hại, tố giác các đối tượng sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền thiệt hại trên 25 tỉ đồng./ Cơ quan CSĐT Công an tỉnh thấy nổi lên 4 phương thức, thủ đoạn chính là các đối tượng giả danh cán bộ cơ quan  điều tra, Viện Kiểm sát gọi điện thoại hù dọa người bị hại  có những vi phạm về giao thông đường bộ, vi phạm về hình sự  khiến người bị hại lo lắng và muốn chứng minh rằng mình không vi phạm pháp luật, không tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Sau đó các đối tượng yêu cầu người bị hại cung cấp mật khẩu, tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt. Khi đã có mật khẩu, tài khoản ngân hàng thì đối tượng chiếm quyền sử dụng tài khoản đó và yêu cầu người bị hại tiếp tục nộp các khoản tiền khác nhiều hơn để chứng minh mình trong sạch. Do sự lo lắng, thiếu hiểu biết và sự đe dọa, khống chế của đối tượng, người bị hại đã chuyển số tiền rất lớn vào tài khoản và bị các đối tượng chiếm đoạt, trong đó có vụ người bị hại đã chuyển tổng số tiền hơn 10,5 tỉ đồng vào tài khoản và bị chiếm đoạt./ Phương thức thứ 2 là đối tượng giả kết thân trên mạng xã hội và muốn cung cấp tiền để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn khiến người bị hại tin tưởng cho rằng, đối tượng có số tiền thật nên đồng ý chuyển các khoản phí cho các đối tượng giả danh nhân viên hải quan, nhân viên cửa khẩu, khi số tiền, số hàng được các đối tượng chuyển đến sân bay, cửa khẩu. Thứ 3 là các đối tượng sử dụng mạng xã hội đưa ra thông tin gian dối rằng đầu tư tiền ảo, đầu tư vào gian hàng, trang mạng trên Internet với số tiền thu lợi lớn, những lần đầu khi người bị hại đầu tư số tiền nhỏ/ thì số tiền lợi nhuận lên đến cả 100%, khi đó người bị hại có thể rút cả gốc lẫn lãi về tài khoản của mình; khi người bị hại đầu tư số tiền lớn/ muốn rút tiền về tài khoản thì đối tượng đưa ra thông tin cho rằng người bị hại có lỗi về thao tác chuyển tiền/ lỗi về hưởng chênh lệch số lợi nhuận quá lớn nên yêu cầu người bị hại đóng các khoản tiền, phí để mua phần mềm bảo mật/ mở khóa tài khoản, phí phạt do lãi suất cao/ từ đó bị hại chuyển tiền cho các đối tượng đưa ra và bị chiếm đoạt. Thứ 4 là các đối tượng đề nghị nâng cấp sim điện thoại/ người bị hại cung cấp thông tin ”

PV: Qua những vụ việc vừa rồi, ông có khuyến cáo như thế nào đối với người dân để tránh những vụ việc tương tự tiếp tục xảy ra và bị các đối tượng lợi dụng chiếm đoạt tài sản?

Trung tá Nguyễn Đình Mai – Đội trưởng Đội  Hướng dẫn, Điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh: “Qua các vụ việc này, Cơ quan CSĐT khuyến cáo, đề nghị người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, không nghe các cuộc gọi từ đầu số lạ, không cung cấp thông tin cho các đối tượng không rõ ràng khi đối tượng yêu cầu cung cấp số điện thoại, mật khẩu tài khoản ngân hàng của cá nhân. Cơ quan điều tra khi cần triệu tập làm việc với người bị hại, người có liên quan đến các vụ việc mà Cơ quan điều tra đang xác minh thì sẽ gửi giấy triệu tập hoặc thông qua chính quyền địa phương để mời lên trụ sở làm việc, không thông qua điện thoại hay các ứng dụng để yêu cầu người bị hại cung cấp số tài khoản cũng như mật khẩu của cá nhân.”

PV: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi vừa rồi./.

Thiên Thanh – R’Piên


Lượt xem: 20

Trả lời