Phỏng vấn ông Nguyễn Đình Tuấn – Phó Giám đốc Sở Y tế Gia Lai về công tác phòng bệnh Bạch hầu

Cập nhật 04/7/2020, 09:07:24

Từ đầu tháng 6 đến nay, trên địa bàn các tỉnh Đắk Nông, Kon Tum đã ghi nhận 26 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu, trong đó có 2 trường hợp tử vong tại tỉnh Đắk Nông. Đây là bệnh nhiễm trùng nguy hiểm, có khả năng lây lan mạnh và nhanh chóng tạo thành dịch. Hiện bệnh Bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vắc xin phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh. Gia Lai vẫn là vùng có nguy cơ cao do đó việc chủ động phòng bệnh cũng phải được quan tâm. Liên quan đến công tác phòng bệnh Bạch hầu trên địa bàn tỉnh, Phóng viên Đài PT-TH Gia Lai đã phỏng vấn ông Nguyễn Đình Tuấn – Phó Giám đốc Sở Y tế.

PV: Thưa ông, vừa qua đã xuất hiện các ổ dịch bạch hầu tại 1 số tỉnh Tây Nguyên. Hiện trên địa bàn tỉnh Gia Lai chưa ghi nhận trường hợp nào, tuy nhiên Gia Lai vẫn là vùng có nguy cơ cao. Vậy công tác phòng địch đã được ngành y tế triển khai như thế nào?

Ông Nguyễn Đình Tuấn: Thời gian gần đây các tỉnh Tây Nguyên đã xuất hiện nhiều ổ dịch bạch hầu do nguyên nhân tỷ lệ tiêm chủng của một số vùng còn thấp nên khả năng phòng bệnh chưa cao và có khả năng lây lan trong cộng đồng. Gia Lai cũng là một tỉnh có nguy cơ cao, nhất là vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỷ lệ tiêm chủng thấp do điều kiện giao thông, do nhận thức của người dân vì thế vấn đề tiêm phòng tỷ lệ thấp, nguy cơ lây truyền bệnh bạch hầu còn cao. Ngành y tế đã chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền để thay đổi nhận thức hành động của nhân dân trong vấn đề tiêm phòng, rà soát để tiêm vét tất cả những đối tượng tiêm vắc xin chưa đủ mũi, hoặc trước đây chưa được tiêm phòng vắc xin, tổ  chức tốt công tác giám sát phát hiện ca bệnh, nhất là những vùng trước đây đã từng có ca bệnh bạch hầu, những vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp để phát hiện sớm những ca bệnh để cách ly, điều trị dập dịch kịp thời.

PV: Vậy ông có thể cho biết căn bệnh này nguy hiểm như thế nào và làm sao để nhận biết rõ triệu chứng của bệnh?

Ông Nguyễn Đình Tuấn: Đây là bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp và đặc trưng của bệnh là gây ra tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc chủ yếu là đường hô hấp,  gây ra biến chứng toàn thân đặc biệt là biến chứng tim mạch, thần kinh có thể gây tử vong cao. Vì thế đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cần phải được phát hiện sớm, cách ly điều trị kịp thời và tổ chức tiêm phòng tạo miễn dịch chủ động trong vấn đề phòng bệnh. Bệnh bạch hầu lây theo đường hô hấp, gây ra tình trạng viêm hầu họng hoặc mũi họng amidan, 1 số trẻ nhỏ gây bạch hầu ở da vì thế triệu chứng của bệnh giống như những trường hợp viêm hầu họng thông thường như sốt nhẹ, ho, rát họng, khàn tiếng…rất khó phát hiện nếu không chủ động trong vấn đề rà soát phát hiện bệnh.

PV: Bệnh bạch hầu đã có vắc xin phòng bệnh, vậy công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân đối với việc tiêm phòng, chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cần phải được tăng cường như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Đình Tuấn: Bệnh bạch hầu đã có vắc xin phòng bệnh, tuy nhiên trong thời gian cuối năm 2018 đầu năm 2019 có thay đổi vắc xin 5 trong 1 của chương trình tiêm chủng mở rộng, nên vì thế có một thời gian tỷ lệ tiêm chủng cũng bị ảnh hưởng, đặc biệt trong dịch Covid-19 vừa qua chương trình tiêm chủng mở rộng cũng phải tạm hoãn 1 tháng nên vì thế tỷ lệ tiêm chủng theo chương trình của 6 tháng đầu năm chưa đạt đúng theo quy định, vì thế vấn đề tăng cường tiêm chủng, nhất là tiêm chủng mở rộng, tiêm vét là điều kiện quan trọng nhất để miễn dịch chủ động cho người dân trong việc phòng chống bệnh bạch hầu. Những trường hợp mắc bệnh là những trường hợp thường chưa được tiêm phòng hoặc tiêm chưa đủ mũi, vì thế phòng chống bệnh bạch hầu quan trọng nhất là thực hiện tốt chương trình tiêm chủng mở rộng, đảm bảo khảo sát đầy đủ tỷ lệ trẻ em ở địa bàn để đảm bảo trẻ em dưới 2 tuổi được tiêm đủ mũi vắc xin, đồng thời các cơ sở y tế cũng phải rà soát những trường hợp do những điều kiện khách quan như do ảnh hưởng của covid 19 nhiều trẻ chưa được tiêm phòng đủ mũi phải tiến hành triển khai tiêm vét đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đạt trên 95%. Đối với trẻ em tiêm vắc xin 5 trong 1 trong đó có bạch hầu rồi, đối với người lớn tiêm vắc xin riêng bạch hầu thôi. Viện Vệ sinh dịch tễ đã hỗ trợ cho các tỉnh vắc xin này để tiêm cho người lớn.

PV: Xin cảm ơn ông ./.

 

Kim Châu,  Minh Trí


Lượt xem: 97

Trả lời