Phỏng vấn ông Đinh Hữu Hòa – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Gia Lai về giải pháp nâng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)

Cập nhật 12/5/2023, 10:05:28

Với sự quyết liệt của các cấp, các ngành, môi trường đầu tư của tỉnh Gia Lai ngày càng được cải thiện tốt hơn và nhiều nhà đầu tư bày tỏ sự hài lòng về môi trường đầu tư tại tỉnh Gia Lai. Tuy nhiên, mới đây kết quả công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 thì Gia Lai giảm 19 bậc so với năm 2021, xếp thứ 4 khu vực Tây Nguyên. Vậy tỉnh Gia Lai sẽ có những giải pháp nào để nâng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong năm 2023, PV Đài PT-TH Gia Lai đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Hữu Hòa – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Gia Lai – là cơ quan tham mưu tổng hợp cho tỉnh về thực hiện một số nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội.

PV Hồng Uyên: Ông có thể phân tích nguyên nhân của việc giảm điểm trong các chỉ số thành phần?

Ông Đinh Hữu Hòa – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Gia Lai: “Nguyên nhân chính làm giảm điểm tổng PCI 2022 của tỉnh Gia Lai là sự giảm điểm, giảm bậc rõ rệt của 07/10 chỉ số thành phần, đặc biệt có chỉ số thành phần có trọng số 20% nhưng lại giảm sâu trên bảng xếp hạng (chỉ số về đào tạo lao động và chỉ số dịch hỗ trợ doanh nghiệp), đây cũng là nguyên nhân chính làm PCI của tỉnh giảm 19 bậc trên bảng xếp hạng cả nước.

 Bên cạnh nguyên nhân nêu trên, việc giảm 19 bậc trên bảng xếp hạng cũng xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác:

 Nguyên nhân khách quan:

Việc điều tra xã hội học thông qua các phiếu điều tra bằng hình thức phỏng vấn mang yếu tố khách quan, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như trình độ, vùng miền, thái độ… của cá nhân, tổ chức trả lời phiếu. Là tỉnh miền núi, Tây Nguyên nên chất lượng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu về hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, nhiều lĩnh vực kinh doanh có xu hướng chững lại, bão hòa hoặc không thể tiếp tục kinh doanh. Hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là doanh nghiệp nhỏ, có xu hướng kinh doanh hoạt động tại tỉnh mà chưa ưu tiên việc liên kết, chia sẻ và tăng cường kết nối với khu vực và quốc tế.

Hậu quả để lại của dịch bệnh cùng tác động của kinh tế như: giảm cung – cầu, lạm phát cao, lãi suất tăng và khả năng tiếp cận vốn, thanh khoản, dòng tiền của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn … dẫn đến nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng, giải thể, phá sản nên việc đánh giá PCI cũng bị ảnh hưởng.

 Nguyên nhân chủ quan:

Một số cơ quan, đơn vị cũng chưa thực sự quan tâm trong việc theo dõi, đánh giá, nâng cao các chỉ số thành phần, chỉ số con, xác định nguyên nhân và mạnh dạn đề xuất giải pháp cải thiện nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Nhất là ở cấp cơ sở chưa nắm bắt, quan tâm đầy đủ về Chỉ số PCI và công tác thường xuyên cải thiện, nâng cao chỉ số, lấy chỉ số làm tiêu chuẩn phản ánh để điều chỉnh, nâng cao hiệu quả nhằm mục đích ngày càng phục vụ tốt nhất các nhu cầu của doanh nghiệp. Sự quyết tâm của một số cán bộ, công chức trong việc cải cách TTHC có mặt còn hạn chế; trong việc đối thoại, tháo gỡ khó khăn với người dân và doanh nghiệp có thời điểm chưa kịp thời; gặp nhiều khó khăn trong việc minh bạch, công khai đầu tư công, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng như thủ tục đăng ký đầu tư, thu hồi đất, giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án. Tinh thần, thái độ phục vụ tổ chức, cá nhân của một số cán bộ, công chức, viên chức có lúc, có nơi còn thiếu nhiệt tình, làm việc chưa hết trách nhiệm, một số có biểu hiện tiêu cực trong giải quyết TTHC dẫn đến tỷ lệ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với một số lĩnh vực có xu hướng giảm. Chưa kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức giải quyết hồ sơ TTHC quá hạn hoặc có yêu cầu thành phần hồ sơ, giấy tờ không đúng quy định. Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 còn thấp; việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích còn hạn chế.”

PV Hồng Uyên: Thưa ông, với vai trò cơ quan tham mưu tổng hợp của tỉnh, Sở sẽ tham mưu các giải pháp khắc phục như thế nào để chỉ số PCI năm 2023 có thể được cải thiện?

Ông Đinh Hữu Hòa – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Gia Lai: “Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp các sở, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh phân công 10 chỉ số thành phần, 142 chỉ số con cho từng sở, ngành địa phương phụ trách từ đó đưa ra các giải pháp nhằm xây dựng Kế hoạch khắc phục chỉ số PCI cho những năm tiếp.  Ngoài ra, Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp các sở, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các nội dung: Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ban, ngành, địa phương trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Chú trọng trách nhiệm người đứng đầu, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của bộ máy chính quyền từ cấp tỉnh đến địa phương; trong công tác giám sát cán bộ cấp dưới trong thực thi công vụ, tiếp xúc, làm việc trực tiếp với doanh nghiệp, người dân. Tiếp tục rà soát và công khai minh bạch các thủ tục hành chính (TTHC), giảm các TTHC không cần thiết và rút ngắn thời gian giải quyết TTHC theo hướng phấn đấu giảm thời gian thực hiện từ 30-70% so với quy định. Tích cực nắm bắt, giải quyết những kiến nghị, khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp phản ánh ý kiến, phản hồi về hoạt động của các sở, ban, ngành và địa phương, nhất là phản ánh về tình trạng thiếu trách nhiệm, tiêu cực, nhũng nhiễu, xử lý nghiêm hành vi xử lý công việc trái quy định, gây chậm trễ, thiếu minh bạch, thiếu trách nhiệm.

Thường xuyên cập nhật các thông tin, các mặt làm được, các chủ trương, chính sách của tỉnh, các hoạt động liên quan đến doanh nghiệp trên trang thông tin điện tử của các cấp, các ngành và của tỉnh.”

Hồng Uyên – Viễn Khánh – Ksor Tuối


Lượt xem: 4

Trả lời