Phong  trào hiến đất làm đường giao thông tại huyện Chư Pưh

Cập nhật 24/8/2016, 14:08:41

Trong khi nguồn ngân sách của Nhà nước để đầu tư các công trình xây dựng cơ bản còn hạn chế thì thời gian qua, nhiều địa phương đã huy động hiệu quả các nguồn lực khác trong xã hội, đặc biệt là sự chung tay góp sức của người dân đã góp phần xây dựng đô thị ngày một khang trang hơn. Ghi nhận của phóng viên Thời sự về phong trào hiến đất làm đường giao thông tại thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh.

24.8hiandat

Thửa đất có diện tích hơn 157m2 của gia đình chị Phạm Thị Ngọc Nhung ở thị trấn Nhơn Hòa nằm tiếp giáp hai mặt đường Cách mạng Tháng tám và đường nhánh quy hoạch. Vị trí đất khá đẹp và có giá sang nhượng trên thị trường hiện vào khoảng 100 triệu đồng/mét. Khi được vận động hiến đất thi công dự án mở rộng đường vào khu dân cư phía Đông và phía Tây thị trấn, ban đầu chị Nhung có phần đắn đo, phân vân nhưng sau khi bàn bạc kỹ với gia đình đã quyết định hiến đất, bàn giao mặt bằng để công trình sớm thi công.

Chị Nhung nói: “Sau khi họp bàn gia đình thì chúng tôi quyết định hiến đất để làm đường vì tôi nghĩ rằng hiến như vậy thì mọi người sẽ có đường đi lớn hơn, sạch sẽ hơn, con cái tôi đi học cũng thoải mái hơn..”

Để thực hiện hơn 4km đường giao thông thuộc dự án này, qua tổng hợp chưa đầy đủ của chủ đầu tư đã có 108 hộ tự nguyện hiến đất và tự nguyện tháo dỡ, di dời tường, rào, công trình phụ để bàn giao mặt bằng. Chính những suy nghĩ tích cực như trường hợp của chị Nhung đã giúp nhiều công trình xây dựng đường giao thông và công trình dân sinh khác tại thị trấn Nhơn Hòa sớm được triển khai đúng tiến độ.

Ông Tống Xuân Khả, Trưởng BQL các dự án đầu tư xây dựng Huyện Chư Pưh cho biết: “Một số hộ dân lúc đầu họ chưa hiểu được nên còn chậm nhưng sau này họ hiểu rồi thì tự tháo dỡ cây cối hoa màu, một số công trình nhà tạm. Nhờ họ tháo dỡ cho mình giúp tiến độ thi công công trình nhanh, bớt được thời gian”.

Có một thực tế là không phải công trình nào cũng nhận được sự đồng thuận, nhất trí hiến đất của người dân. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy để tháo gỡ được điều này thì khâu vận động, tuyên truyền đóng vai trò quyết định. Làm sao để ngoài những lợi ích chung, bản thân mỗi người dân thấy được và phát huy quyền làm chủ của mình đó là “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”./.

Tiến Huy ,Nhật Thành

 

 


Lượt xem: 348

Trả lời