Phòng chống sốt xuất huyết nhìn từ góc độ công tác y tế dự phòng

Cập nhật 01/9/2016, 07:09:10

Đến thời điểm này, dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh Gia Lai  đang được khống chế theo chiều hướng tích cực. Và qua đây, công tác y tế dự phòng tại cơ sở cần rút ra nhiều bài học kinh nghiệm

1.9 sot

Từ khi xuất hiện dịch sốt xuất huyết, công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh nhanh chóng được ngành y tế và các địa phương thực hiện, trong đó hệ thống  các trạm y tế các xã, phường, thị trấn là lực lượng chủ lực. Mặc dù phòng, chống các loại dịch bệnh là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác y tế dự phòng ở các trạm y tế nhưng hầu hết các đơn vị này dường như chưa thực sự chủ động, khi xảy ra dịch mới bắt đầu vào cuộc.

Ia Phang là xã có số người bị sốt xuất huyết nhiều nhất huyện Chư Pưh với 80 ca. Công tác phòng, chống dịch của trạm y tế xã gặp khá nhiều khó khăn do thiếu cả về nhân, vật lực. Đây cũng là điều được T.T Y tế huyện Chư Pưh phản ánh tại buổi làm việc với Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh vừa qua.

 Bà Rah Lan Hồng, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Ia Phang, huyện Chư Pưh cho biết: “Từ khi có dịch sốt xuất huyết chúng tôi báo với TT y tế, sau đó TT y tế xuống xác minh dịch và triển khai cho chúng tôi diệt lăng quăng, bọ gậy. Các thôn diệt xong bọ gậy thì báo TT xuống phun thuốc đợt 1 và đợt 2. Sau khi kiểm tra thì các thôn đã được phun thì các thôn có dịch đã hơi ngưng nhưng vẫn còn lây lan ở các thôn khác”.

   Từ đầu tháng 6, thôn 1 là nơi duy nhất có dịch sốt xuất huyết trên địa bàn xã Thăng Hưng, huyện Chư Prông với 77 ca. Ngay sau đó ngành y tế huyện đã tiến hành dập dịch song tính đến ngày 15/8, dịch đã lây lan đến 7/7 thôn, làng của xã với tổng số 154 ca.  Điều này cho thấy hiệu quả công tác dập dịch vẫn chưa cao. Mặt khác, ở không ít địa phương, sự phối hợp của chính quyền địa phương và các cấp, ngành trong thực hiện công tác y tế dự phòng vẫn chưa thực sự chặt chẽ.

Ông Nguyễn Văn Khải, Trưởng Khoa Kiểm soát dịch bệnh- TT Y tế dự phòng huyện Chư Prông cho biết: “Trạm đã vận động toàn dân cùng phòng chống dịch sốt xuất huyết, diệt lăng quăng, bọ gậy bằng cách úp các vật dụng chứa nước lại, dọn dẹp vệ sinh môi trường. Có người rất chi là hạn chế, cho nên khi mình đến vận động thì gặp khó khăn. Mặc dù huyện, các ngành đã quan tâm, tiến hành phun thuốc xử lý 2 lần, tuyên truyền bằng loa, đài xuống cho bà con nhưng mà thực sự mà nói đã kỹ chưa thì chưa kỹ. Qua lần này, qua thời gian lâu rồi mà dịch vẫn còn xảy ra mười mấy ca như vậy rõ ràng sự lây lan trong cộng đồng vẫn còn”.

 Rõ ràng bên cạnh tập trung đẩy lùi dịch bệnh, ngành Y tế cũng như chính quyền các địa phương cũng cần rút ra bài học kinh nghiệm để nâng cao sự chủ động và hiệu quả của công tác y tế dự phòng tại cơ sở trong thời gian tới./.

Ngô Thanh -Xuân Huy- Huy Toàn.

 


Lượt xem: 66

Trả lời