Phó Chủ tịch UBND tỉnh K’pă Thuyên kiểm tra tình hình khắc phục thiệt hại cơn bão số 9 và công tác triển khai ứng phó với cơn bão số 10 tại huyện Đak Pơ và thị xã An Khê

Cập nhật 04/11/2020, 18:11:36

Các địa phương phải khẩn trương khắc phục các thiệt hại do bão số 9 gây ra và không được chủ quan trước cơn bão số 10 – đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh K’pă Thuyên, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh khi đi kiểm tra tra tình hình khắc phục thiệt hại cơn bão số 9 và công tác triển khai ứng phó với cơn bão số 10 tại huyện Đak Pơ và thị xã An Khê trong ngày hôm nay (4/11).

Theo thống kê của huyện Đak Pơ đến ngày 4/11, bão số 9 đã làm gần 1.600 ha cây trồng ở địa phương bị ảnh hưởng; 13 con gia súc bị cuốn trôi; 92 ngôi nhà của người dân bị tốc mái; trong đó, có 2 nhà bị tốc mái hoàn toàn; ngoài ra, một số công trình công cộng và các tuyến giao thông cũng bị hư hỏng. Tổng thiệt hại do bão số 9 gây ra là gần 13 tỷ đồng; trong đó hoa màu thiệt hại hơn 11 tỷ. Ngay sau bão đi qua, từ ngày 29/10, địa phương cũng đã chỉ đạo các ngành, địa phương thống kê mức độ thiệt hại và triển khai các biện pháp khắc phục để giúp người dân ổn định đời sống, tái đầu tư sản xuất. Đồng thời hiện nay, địa phương cũng đã chủ động triển khai các biện pháp để ứng phó với cơn bão số 10.

Ông Nguyễn Trường – Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ cho biết:Tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương vận động bà con chằng chống nhà cửa, nhất là những nhà tạm trong vùng dân tộc thiểu số; vận động bà con khẩn trương di dời ở những nơi trũng thấp. Trong sản xuất thì di chuyển gia súc, gia cầm ở những vùng có khả năng bị cô lập. Khi xảy ra mưa bão thì không để bà con đi qua những khu vực nguy hiểm để tránh thiệt hại về tính mạng. Bên cạnh đó thì chỉ đạo các ngành công an, quân sự sẵn sàng ứng phó với các tình huống khi có bão đi qua.”

Chị Đinh Thị Bép – Xã Ya Hội, huyện Đak Pơ nói: “Đợt mưa bão vừa qua thì nhà tôi cũng bị tốc hết mái ngói và gia đình mua ngói về lợp lại. Nay mua thêm xi măng gia cố lại mái ngói để tránh bị tốc mái khi bão đi qua.”

Còn với thị xã An Khê, bão số 9 cũng gây thiệt hại lớn với số tổng tiền ước khoảng 13,5 tỷ đồng. Qua báo cáo và đi kiểm tra thực tế cho thấy với những hư hỏng về nhà ở dân cư đến nay đã cơ bản được khắc phục xong. Tuy nhiên với những hư hỏng nặng nhất là về cơ sở vật chất của các trường học vẫn chưa thể khắc phục được. Cùng với hoàn tất các thủ tục để tiến hành sửa chữa hư hỏng ở 2 đơn vị trường học nhằm đảm bảo cho công tác dạy và học thì thị xã An Khê cũng đã chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với cơn bão số 10.

Ông Nguyễn Hữu Nguyên – Phó Chủ tịch UBND thị xã An Khê trao đổi: “Hiện nay chúng tôi cũng đã đánh giá cụ thể mức độ thiệt hại ở 2 đơn vị trường học và đang lập hồ sơ đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí để nhanh chóng khắc phục hư hỏng để sớm ổn định cho công tác dạy và học của các nhà trường. Đối với cơn bão số 10 thì chúng tôi cũng đã bám sát Công điện số 12 của UBND tỉnh để giao trách nhiệm cho các thành viên trong Ban chỉ huy của địa phương và các ngành liên quan chủ động bố trí phương tiện, nhân vật lực để ứng phó với các tình huống xảy ra.”

Qua đi kiểm tra thực tế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh K’pă Thuyên đã đánh giá cao công tác ứng phó, khắc phục hậu quả cơn bão số 9 của huyện Đak Pơ và thị xã An Khê. Qua đây, đề nghị các địa phương tiếp tục huy động lực lượng, vận động người dân nhanh chóng khắc phục những thiệt hại do cơn bão số 9 gây ra; nhất là những nhà dân bị tốc mái và các công trình hạ tầng thiết yếu, như trường học, trạm y tế. Đồng thời, nhanh chóng thống kê cụ thể mức độ thiệt hại để đề nghị các cấp hỗ trợ theo quy định. Đối với cơn bão số 10 hiện đã đi vào Biển Đông và dự báo ngày mai (5/11) sẽ đổ bộ vào đất liền dù có suy yếu thành áp thấp nhiệt đới nhưng sẽ có khả năng gây mưa lớn, kèm theo gió giật mạnh, nhất là các huyện phía Đông, do đó, đồng chí K’pă Thuyên đề nghị các địa phương không được chủ quan, lơ là; cần tiếp tục chủ động triển khai các biện pháp, phương án đã xây dựng để ứng phó với phương châm “4 tại chỗ” theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Công điện số 12 của UBND tỉnh. Trong đó, cần đặc biệt chú trọng đến việc đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.

Đồng chí K’pă Thuyên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh chỉ đạo: “Với tinh thần không được chủ quan thì chúng tôi đã có Công điện 12 yêu cầu các địa phương gia cố, chằng chống lại nhà ở không để bị sập, tốc mái; và đặc biệt là phải di dời bà con ở những khu vực sung yếu có khả năng xảy ra sạt lở; đồng thời, tập trung khắc phục và thu hoạch đối với những cây trồng đã đến kỳ thu hoạch, nhất là ở vùng trũng thấp; bố trí lực lượng không để người dân đi qua các ngầm tràn khi mưa lũ xảy ra.”

Cùng với đó, đồng chí K’pă thuyên cũng yêu cầu 2 địa phương chủ động bố trí nguồn kinh phí cho công tác phòng, chống thiên tai và khắc phục phải duy trì nghiêm chế độ trực, báo cáo để kịp thời ứng phó, xử lý các tình huống phát sinh. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị phía Công ty Thủy điện An Khê – Ka Nak tuân thủ nghiêm quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa và xả lũ qua tràn nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho vùng hạ du./.

Đức Hải – Minh Trí


Lượt xem: 60

Trả lời