Phó Chủ tịch UBND tỉnh K’pă Thuyên kiểm tra tình hình khắc phục thiệt hại bão số 9 và triển khai ứng phó cơn bão số 10 tại huyện Kbang và Kông Chro

Cập nhật 06/11/2020, 07:11:54

Tiếp tục chuyển công tác tại các địa phương phía Đông của tỉnh để kiểm tra tình hình khắc phục thiệt hại do bão số 9 gây ra và triển khai công tác ứng phó với cơn bão số 10, trong ngày hôm qua (5/11), đồng chí K’Pă Thuyên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã đi kiểm tra tại huyện Kbang và Kông Chro.

Theo cáo cáo của huyện Kbang, bão số 9 đã gây thiệt hại lớn trên địa bàn huyện với tổng số tiền ước tính khoảng 62 tỷ đồng. Đến nay đối với các nhà dân bị hư hỏng nhẹ địa phương đã chủ động xuất kinh phí mua ngói, tấm lợp và huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục xong. Và hiện đang tập trung dựng lại các nhà dân bị sập, tốc mái hoàn toàn và sửa chữa những hư hỏng lớn về cơ sở hạ tầng. Riêng về cây trồng, huyện đã chỉ đạo các địa phương vận động người dân, huy động lực lượng cùng với cán bộ, chiến sỹ của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tập trung hỗ trợ bà con thu hoạch, nhất là đối với diện tích lúa nước vụ Mùa để tránh ảnh hưởng của cơn bão số 10.

Ông Hồ Xuân Dương-Chủ tịch UBND xã Lơ Ku, huyện Kbang cho biết: “Hiện nay chúng tôi đang huy động lực dân quân, công an, đoàn viên thanh niên cùng với bộ đội tập trung hỗ trợ người dân chằng chống lại nhà cửa; đồng thời, thu hoạch hết diện tích lúa nước đã đến ký thu hoạch với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.

Bà Dương Thị Hảo-Xã Lơ Ku, huyện Kbang cũng nói: “Gia đình tôi có 3 sào lúa nước, trong đợt mưa bão vừa qua gió mạnh quá nên bị rụng nhiều; nay được cán bộ của xã, rồi các anh bộ đội giúp thu hoạch dù lúa chưa chín hẳn vì sợ ảnh hưởng của bão sắp tới”.

Qua kiểm tra thực tế, đồng chí K’pă Thuyên đánh giá cao công tác khắc phục thiệt hại của huyện Kbang; dù bị thiệt hại nặng song địa phương đã kịp thời sửa chữa những hư hỏng về nhà ở dân cư, giúp người dân thu hoạch cây trồng và dần ổn định đời sống sau mưa bão. Đối với những hư hỏng lớn ở các công trình thiết yếu, trụ sở làm việc và những nhà dân bị tốc mái, sập hoàn toàn do bão số 9 gây ra, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị huyện Kbang nhanh chóng khắc phục để tránh ảnh hương do bão số 10; vận động bà con tranh thủ thu hoạch hết những diện tích cây trồng đã đến kỳ với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”;  thống kê cụ thể những diện tích bị thiệt hại để có phương án hỗ trợ cho người dân; rà soát, kịp thời mua gạo cấp cho những hộ có khả năng thiếu đói. Đối với cơn bão số 10 dù đã suy yếu song trước những diễn biến của cơn bão này, huyện Kbang không được chủ quan, lơ là; vận động người dân nêu cao ý thức tự phòng, chống và chủ động triển khai phương án phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai theo đúng tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công điện số 12 nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân.

Với huyện Kông Chro, bão số 9 đã gây tổng thiệt hại ước tính là hơn 7,1 tỷ đồng. Ngay sau bão, địa phương đã bố trí kinh phí, huy động lực lượng khắc phục thiệt hại về nhà ở dân cư, hoa màu giúp người dân ổn định đời sống. Cùng với đó, đã tập trung triển khai các biện pháp để ứng phó với cơn bão số 10.

Ông Võ Nguyên Nam-Chủ tịch UBND huyện Kông Chro cho biết: “Chúng tôi đã xuất kinh phí từ Quỹ “Vì người nghèo” và từ nguồn phòng, chống thiên tai để hỗ trợ cho các hộ dân bị thiệt hại nặng về nhà ở do cơn bão số 9 gây ra. Cùng với đó thì chúng tôi cũng đã chỉ đạo cho các ngành, địa phương triển khai các biện pháp ứng phó với cơn bão số 10; vận động nhân dân chằng chống nhà cửa để hạn chế thấp nhất thiệt hại gây ra; đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin về cơn bão số 10 để người dân nắm được”.

Qua kiểm tra thực tế tại huyện Kông Chro, Phó Chủ tịch UBND tỉnh K’pă Thuyên đã đánh giá cao công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 9 và triển khai ứng phó cơn bão số 10 của cấp ủy, chính quyền địa phương. Song cũng đề nghị huyện Kông Chro, nhất là ở cấp cơ sở cần đặc biệt quan tâm đến những khu vực giáp ranh với tỉnh Bình Định khi bão số 10 đổ bộ vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Đồng chí K’pă Thuyên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh nhấn mạnh: “Đối với cơn bão số10 dù đã suy yếu song có thể sẽ gây mưa to, kèm theo lốc xoáy nữa nên các đồng chí cần vận động người dân chằng chống nhà cửa; cần thiết thì di dời vào các nhà kiên cố bởi vì sau cơn bão số 10 sẽ còn thêm 3 cơn bão nữa”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, vào chiều 5/11 trên địa bàn một số địa phương khu vực phía Đông đã có mưa. Và trước tinh thần quyết liệt, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với cơn bão số 10 từ tỉnh đến cơ sở sẽ góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do mưa bão gây nha./.

 Đức Hải, Minh Trí     


Lượt xem: 62

Trả lời